Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Phú Yên đang triển khai thực hiện dự án “Giảm nhẹ rủi ro trong thảm họa” tại 10 xã trong tỉnh. Báo Phú Yên phỏng vấn Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Nguyễn Hữu Nghiệm một số nội dung chung quanh dự án này.
* Phú Yên là một trong những tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai. Hội CTĐ tỉnh đã có những hoạt động gì để trang bị kiến thức, phương tiện giúp người dân ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu diễn ra hiện nay?
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Nghiệm- Ảnh: T.BÍCH
- Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và ngày càng gay gắt. Việt Nam chúng ta nằm trong số 10 nước trên thế giới sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất do hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó, có tình trạng nước biển dâng. Điều dễ thấy nhất ở Phú Yên là hàng năm luôn chịu ảnh hưởng và tác động trực tiếp từ 5-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, như vậy, rủi ro trong thảm họa là không tránh khỏi. Hội CTĐ Phú Yên đã nhận ra vấn đề này từ rất sớm. Vì thế, cách đây ba năm, chúng tôi đã đề xuất và bắt đầu từ năm 2010, triển khai thực hiện dự án “Giảm nhẹ rủi ro trong thảm họa” (gọi tắt là DRR theo tiếng Anh). Đến thời điểm này, đã có 10 xã nằm trong dự án, bình quân mỗi xã được đầu tư 500 triệu đồng/năm. Dự án DRR gồm các nhóm giải pháp can thiệp nhằm giảm nhẹ rủi ro trong thảm họa là nhóm giải pháp truyền thông, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, nhóm giải pháp về trang thiết bị cơ hữu và cơ sở hạ tầng. Một trong những nội dung của dự án là đào tạo lực lượng nòng cốt để làm hạt nhân ứng phó thảm họa, giảm nhẹ rủi ro tại cộng đồng. Hiện ở tỉnh có 2 người là thành viên Đội ứng phó thảm họa quốc gia, có 6 hướng dẫn viên đã được đào tạo bài bản để đào tạo, tập huấn lại cho cộng đồng. Từ ngày 21/5 đến ngày 12/6, tại TP Tuy Hòa, Hội CTĐ tỉnh mở 6 lớp tập huấn, mỗi lớp có 24 thành viên đội ứng phó ở các xã trong vùng dự án như Hòa Mỹ Đông, Hòa Thịnh (Tây Hòa), Hòa Xuân Đông (Đông Hòa), An Thạch, An Định (Tuy An)… do Hội CTĐ Na Uy tài trợ kết hợp với xây dựng lực lượng hạt nhân nòng cốt tại chỗ ứng phó thảm họa để tăng cường thêm sức mạnh. Khi chúng tôi đào tạo, có đề ra những giải pháp để biến cộng đồng không an toàn trước đây thành cộng đồng an toàn.
* Trước khi có dự án DRR thì năng lực ứng phó thảm họa, tự bảo vệ của cộng đồng ở tỉnh ta như thế nào, thưa ông?
- Trong ứng phó thảm họa từ xưa đến nay, nhiều kinh nghiệm dân gian vẫn còn có ích nhưng hiện có những kinh nghiệm không còn phù hợp vì biến đổi khí hậu đã làm thay đổi quy luật tự nhiên. Vì thế, chúng tôi chú ý các giải pháp nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong nhóm giải pháp truyền thông, nhất là cùng với người dân xây dựng, xác lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa cho địa bàn mình, địa phương mình. Hơn ai hết, là cư dân bản địa biết và xác định được các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của họ.
Do đó, kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro được xây dựng từ ý kiến đóng góp của người dân sẽ trở thành kế hoạch chung cho toàn xã, khác với cách làm trước đây là chính quyền xây dựng kế hoạch từ trên xuống, còn bây giờ làm từ dưới lên. Điều quan trọng là những ý kiến đóng góp của người dân được trân trọng lắng nghe, được đưa vào kế hoạch và như vậy thì khi thảm họa xảy ra, sự ứng phó tại chỗ của người dân và sự liên kết của cộng đồng sẽ đồng bộ và mạnh hơn. Từ kế hoạch này, chúng tôi chỉ đạo các xã trong dự án xây dựng bản đồ hiểm họa. Chỉ cần nhìn vào bản đồ đó là ta biết ngay vùng nào có nguy cơ nếu có bão, vùng nào có nguy cơ nếu gặp lụt, nếu có lụt nước dâng cấp hai, cấp ba thì báo động ở thôn nào, di dời bao nhiêu hộ, di dời đi đâu…Như vậy thì các hình thức ứng phó thảm họa sẽ được tăng cường, phổ biến cho cộng đồng để ứng phó sao cho thích hợp và tất yếu sẽ giảm bớt những tổn thương. Đấy chính là mục tiêu của dự án DRR và các lớp tập huấn mà hội đang mở cho các đội ứng phó cũng nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.
Các thành viên đội ứng phó tập huấn kỹ năng cứu người bị nạn theo dự án DRR - Ảnh: T.BÍCH
* Thưa ông, hiện trang thiết bị và cơ sở hạ tầng ở các xã có đáp ứng được việc triển khai dự án DRR?
- Hầu hết các xã nằm trong vùng thảm họa ở tỉnh ta, xã nào khá lắm thì có một chiếc xuồng lớn chở được từ 10-15 người và hầu hết đều chèo tay. Bây giờ có dự án, chúng tôi đầu tư ở những xã có diện tích rộng, dòng chảy mạnh như Hòa Xuân Đông 4 xuồng máy, khả năng chở từ 15-20 người, xã nào vùng thảm họa hẹp hơn thì đầu tư 2 xuồng máy như An Nghiệp (Tuy An) và các xuồng này giao cho xã quản lý.
Lũ lụt xảy ra thì hay chia cắt các thôn, vì thế, dự án hỗ trợ cho các thôn một sõng lớn chèo tay để dời dân từ nơi thấp đến nơi cao hơn để sau đó, xuồng máy đến tiếp tục đưa bà con đến nơi an toàn. Chúng tôi còn có một chương trình làm động lực để kích hoạt khả năng tự ứng cứu, phòng ngừa thảm họa của người dân là hỗ trợ từ 50-70% kinh phí cho những hộ có khả năng sắm sõng riêng để chở 4-5 người trong nhà đến nơi cao hơn khi có lũ lụt xảy ra và người dân rất đồng tình. Ví như sõng này chở từ 4-5 người có giá trị 1,2 triệu đồng thì bà con chỉ bỏ ra 500.000 đồng, phần còn lại dự án hỗ trợ. Đây cũng là góp phần kích hoạt sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở đối với những hộ dân nằm trong vùng thảm họa, dễ bị tổn thương và quan trọng nhất là góp phần trang bị cho bà con khả năng ứng phó với thảm họa ngay tại chỗ để giảm thiểu rủi ro cho gia đình mình. Như vậy, chỉ có dựa vào cộng đồng thì mới giảm nhẹ rủi ro khi xảy ra thảm họa được.
* Xin cảm ơn ông!
THẠCH BÍCH – ĐÔNG PHƯƠNG (thực hiện)