Thứ Tư, 27/11/2024 00:26 SA
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phan Hữu Đại:
Đời sống người dân miền núi nâng lên rõ rệt
Thứ Bảy, 26/05/2012 07:30 SA

Thời gian qua, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

phdai120526.jpg

Ông Phan Hữu Đại, Trưởng ban Dân tộc tỉnh - Ảnh: T.HƯƠNG

* Việc hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh trong thời gian qua được triển khai như thế nào, thưa ông?

 

- Phú Yên có 45 xã miền núi, trong đó 10 xã, 31 thôn, buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Dân số ở khu vực miền núi khoảng 210.000 người, chiếm 24,7% dân số của tỉnh, trong đó có hơn 51.000 người dân tộc thiểu số thuộc 31 dân tộc, chủ yếu là các dân tộc Ê Đê, Chăm và Ba Na. Thời gian qua công tác dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm đã góp phần nâng cao đời sống của người dân ở khu vực này. Nhiều tuyến giao thông đi các huyện miền núi và các tỉnh Tây Nguyên như: Quốc lộ 25, 29, ĐT641, ĐT642... được đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tỉnh đã đưa vào sử dụng 13 công trình thủy lợi phục vụ tưới hơn 11.000ha đất sản xuất. Tất cả các xã ở khu vực miền núi cũng có điện, sóng phát thanh, truyền hình, bưu điện văn hóa, hệ thống thông tin liên lạc thông suốt. Nhiều cơ sở y tế, công trình cấp nước sinh hoạt được nâng cấp, mở rộng và xây mới phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và sinh hoạt của người dân. Hiện trên 75% hộ dân được sử dụng nước hợp vệsinh. Ngoài ra, 98 nhà văn hóa thôn, buôn được xây dựng, tạo điều kiện cho đồng bào có nơi sinh hoạt. Các xã đều có trường, lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; các huyện đều có trường dân tộc nội trú…

 

Từ năm 2004 đến nay, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hàng năm tỉnh trích ngân sách hơn 270 triệu đồng hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho học sinh dân tộc thiểu số theo học bán trú. Các huyện miền núi đã thực hiện nhiều chính sách thu hút giáo viên về công tác tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng từng bước nâng cao chất lượng cán bộ ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.500 lượt cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng về chuyên môn, 330 cán bộ được đào tạo quản lý nhà nước, kỹ thuật nông, lâm nghiệp, cử tuyển đại học, cao đẳng và được bố trí việc làm.

 

* Từ sự đầu tư này, đời sống của người dân ở khu vực miền núi được cải thiện ra sao, thưa ông?

 

- Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào dân tộc, miền núi đã được cải thiện đáng kể. Các huyện đã hình thành được nhiều vùng trồng cây nguyên liệu mía, sắn, cao su... Diện tích lúa nước được mở rộng, chăn nuôi bò đàn phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng và vật nuôi tăng nhanh. Hiện GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi tăng 11,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực miền núi đạt 782 tỉ đồng, chiếm khoảng 23% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, quyền bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng, sự đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh; nhiều thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Nói chung kinh tế - xã hội miền núi đã có sự phát triển mạnh góp phần quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh.

 

le-hoi120526.jpg

Bà con vùng đồng bào dân tộc miền núi vui lễ hội đâm trâu - Ảnh: P.NAM

* Để đời sống người dân miền núi tiếp tục được nâng lên, thời gian tới công tác dân tộc triển khai như thế nào?

 

- Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục thực hiện một số chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi như: Chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững; Chương trình 135 (giai đoạn 2011-2015); chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách di dân định canh, định cư… Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh còn thực hiện một số chính sách và dự án đầu tư ngoài chương trình mục tiêu quốc gia như: Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, trợ giá trợ cước… nhằm tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Chúng tôi còn phối hợp với các Sở Y tế, LĐ-TB-XH, GD-ĐT thực hiện một số chính sách về bảo hiểm, y tế, cử tuyển… Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị quyết 11/2011 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, xã hội miền núi, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015; đồng thời rà soát các thôn, buôn nghèo, còn nhiều khó khăn để tiếp tục xây dựng các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek