Thả diều là thú vui tao nhã không chỉ của người dân vùng nông thôn mà còn là trò chơi giải trí được người dân Tuy Hòa ưa chuộng sau một ngày bộn bề công việc và học tập.
Thả diều - thú vui của trẻ em trong những ngày hè - Ảnh: K.CHI
Cuối chiều, tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) có vài chục con diều hình 5 anh em siêu nhân, bướm, cá, đại bàng… với nhiều màu sắc, kiểu dáng đã tạo nên một “Quảng trường diều” thu hút nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia vào loại hình giải trí truyền thống này.
Thả diều là một trò chơi thú vị, hấp dẫn. Hình ảnh cánh diều gợi nhớ về tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, hò reo cùng con diều no gió đầy thanh bình, yên ả. Qua bàn tay khéo léo của con người, diều trở thành tác phẩm nghệ thuật chứa đựng nét đẹp văn hóa. Tại một khoảng trên Quảng trường 1 Tháng 4, ông Trần Ngọc Thọ ở phường 5, mái tóc hoa râm tỉ mỉ ráp diều cùng đứa cháu, ông không quên chỉ cho cháu cách tháo lắp những bộ phận rồi cột dây, chạy lấy đà như thế nào. Khi con diều đã thành hình, người ông đứng tại chỗ giữ dây còn đứa cháu cầm thân diều chạy ra xa lấy đà. “Thả diều là trò chơi dựa theo sức nâng của gió nên đòi hỏi phải có một người cầm cánh diều chạy ngược chiều gió, hướng mũi diều lên trời, trong khi người cầm dây giật nhẹ nhẹ và từ từ thả dây dài ra cho diều bay lên” ông Thọ nói.
Cánh diều ngày trước được làm từ nhiều chất liệu như tre, gỗ, giấy, vải… với hình dạng khác nhau. Khung diều làm bằng cật tre bánh tẻ, chuốt tròn và ráp nối với nhau. Giữ khung diều là một "xương sống" bằng tre cứng to bản. Xương sống diều gắn sáo, tạo nên âm thanh vi vu. Dây neo diều làm từ cước, dù… có thể điều khiển tùy ý bằng tay. Ông Thọ chia sẻ bí quyết: “Để diều bay cao, bay xa, không bị rơi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cách cầm dây, tung diều sao cho đúng kỹ thuật mới thành công. Đồng thời, cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tung và người ra dây. Người tung phải cầm thẳng tay khung, tiến trước vài bước, còn người ra dây lại lùi vài bước, ước chừng độ căng chuẩn của dây thì diều mới bắt gió bay lên. Hồi còn nhỏ, ngày nào tụi tui cũng chơi trò này thích lắm. Tiếc là trẻ con bây giờ không mấy đứa biết chơi diều nên tui đưa cháu đi cùng để hướng dẫn cho nó".
Diều được bán tại Quảng trường 1 tháng 4 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: K.CHI
Chị Trần Thị Hiền, khu phố Hưng Phú (TP Tuy Hòa) mua cho 2 cô con gái 2 chiếc diều hình đại bàng giá 60.000 đồng cho biết, hàng ngày cứ khoảng chiều chiều là cả nhà đến Quảng trường 1 Tháng 4 để hóng mát, thư giãn vừa tập thể dục, vừa để các con thả diều. Mãi say sưa chạy để gom gió cho cánh diều bay lên và dõi mắt theo từng con diều, anh Ngô Bá Sơn, phường 5 (TP Tuy Hòa) nói: “Hồi còn nhỏ khi làm được một con diều tôi liền đưa ra bãi đất trống trước nhà để thả. Hồi trước đa phần thả diều giấy tự làm thích lắm nhưng bây giờ không có thời gian, với lại diều giấy mau hư nên mua diều vải cho tiện".
Bây giờ không còn mấy ai tự tay thiết kế những con diều bằng giấy mà toàn là mua diều làm sẵn, song theo nhiều người "không phải vì thế mà trò chơi dân gian này mất đi phần thi vị". Bạn Lê Thị Minh Tâm, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ nói: "Thay vì cứ ra công viên ngồi hóng mát thì kiếm thêm cánh diều ra đây thả vừa được hít thở khí trời, xả stress vừa được sống lại niềm vui thời thơ ấu”.
KIM CHI