Lăng Tự Đức còn gọi là Khiêm Lăng, được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, TP Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn.
Hồ Lưu Khiêm, nơi nhà vua ngự giá ngắm hoa, câu cá- Ảnh: T.QUỚI
Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách trung tâm TP Huế 8km. Hàng ngày, rất nhiều du khách đến điểm di tích này. Trên đường vành đai quanh lăng, những cây xà cừ cao to tỏa bóng mát rượi che mát suốt cả ngày. Bước qua cổng tam quan, du khách sẽ khám phá và cảm nhận được vẻ uy nghiêm, lãng mạn của lăng. Nơi đây được xem là hành cung thứ hai để vua nghỉ ngơi, thư giãn, làm việc những khi không thiết triều chính ở đại điện Tử cấm thành. Sau khi vua Tự Đức băng hà, Khiêm Cung trở thành Khiêm Lăng.
Vòng thành quanh Khiêm Cung rộng khoảng 12ha, gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm Minh đường.
Phía trước là hồ Lưu Khiêm, giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm có đất trồng hoa và hang nhỏ để nuôi thú. Trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ - nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách… Bên trong Khiêm Cung môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc (nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu). Hai bên tả hữu là Pháp Khiêm vu và Lễ Khiêm vu dành cho các quan văn võ. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ của vua, sau được dùng để thờ bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường - nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát… Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ.
Nhà cửa ở Khiêm Cung đều làm bằng gỗ, mái ngói, bên trong mát rượi vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Các kiến trúc ở lăng mộ đều xây bằng gạch đá, trong số này có tấm bia bằng đá thanh lớn nhất nước ta có khắc bài “Khiêm Cung ký” chính nhà vua soạn dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp của mình cho đời sau…
Chính sử ghi lại rằng, Tự Đức là vị vua tại vị lâu nhất trong 13 đời vua triều Nguyễn với 36 năm.
Tự Đức tại ngôi trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, thực dân Pháp đe dọa và tấn công, nội bộ anh em lục đục giành nhau ngôi báu, nhà vua thì đau yếu, bệnh hoạn và không có con. Để trốn tránh cuộc đời khắc nghiệt và chuẩn bị “hậu sự” cho mình, Tự Đức cho xây dựng khu lăng tẩm này. Công trình được xây dựng 3 năm (1864-1867), dùng đến 6.000 lính và thợ để đào hào, đắp lũy, xây thành quách, cung điện, lăng mộ. Chính điều này đã làm lòng dân oán thán, lính thợ và dân binh vùng lên chống lại triều đình. Sau này Tự Đức thấy “hối hận” nên đã đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Tất cả những công trình ở đây đều bắt đầu với chữ Khiêm. Khiêm là khiêm tốn, khiêm nhường.
Lăng Tự Đức như một tuyệt tác công trình kíến trúc, một bức tranh sơn thủy hữu tình, gợi cho du khách bao điều về một vị vua đa tài, hiếu để.
QUỲNH MAI (giới thiệu)