Ngày 2/12, UBND tỉnh Phú Yên có Công điện số 7 về triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng tránh cơn bão số 9, gửi Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng tại địa phương. Nội dung Công điện như sau:
Bão số 9 sẽ là cơn bão rất mạnh, đang di chuyển theo hướng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta. Cơn bão không chỉ có gió mạnh làm sập nhà cửa, hư hại công trình… mà còn gây nên sóng biển cao từ 8-10 mét, sẽ làm hư hại tàu, thuyền, xâm hại các vùng có nguy cơ bị triều cường… Hơn nữa bão kết hợp với gió mùa đông bắc nên có mưa rất lớn, làm sụt lở đất, đá ven núi, ven đường, hạ lưu các hồ chứa nước. Để phòng, tránh có hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu:
1. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố:
Không được chủ quan, phải triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng tránh cơn bão đã được nêu tại Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 30/11 và số 06/CĐ-UBND ngày 01/12/2006 của UBND tỉnh.
2. UBND các huyện, thành phố:
- Tuyệt đối nghiêm cấm tất cả mọi tàu thuyền ra khơi, kể cả đánh bắt ven bờ và khai thác tôm hùm giống. Hiện bão chưa vào nhưng đã có 02 ngư dân chết, trong đó có việc do địa phương chưa thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nêu tại 02 Công điện nói trên về việc cấm tàu thuyền ra biển hoạt động. Các địa phương phải kiểm tra nếu phát hiện còn có tàu thuyền của địa phương mình đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm của bão thì phải bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền đó vào ngay nơi tránh trú an toàn. Thành lập ngay Đội cứu hộ tàu thuyền khi bị sự cố tại các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú.
- Nghiêm cấm tất cả các phương tiện đò ngang, đò dọc hoạt động kể từ 7 giờ sáng ngày 03/12/2006 cho đến khi bão tan.
- Di chuyển, sắp xếp tất cả các lồng, bè nuôi thủy sản vào nơi an toàn, nơi nào không di chuyển được thì phải chằng chống kỹ lưỡng hoặc thả sát đáy…
- Thành lập Đội ứng cứu và tổ chức sơ tán ngay các hộ dân đang ở các vùng có khả năng ảnh hưởng gió bão, triều cường, các vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá. Sơ tán những người nuôi thuỷ sản trên các lồng, bè trên biển, trên sông… đến nơi an toàn. Việc sơ tán nhân dân phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 03/12/2006. Quá thời gian trên nếu địa phương nào chưa hoàn thành để xảy ra sự cố nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
- Tổ chức ngay việc cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, triều cường và bố trí người trực giác tại các ngầm, tràn, nơi qua lại có nước chảy xiết, các vị trí xung yếu… để hướng dẫn việc đi lại cho nhân dân.
3. Sở Thủy sản có trách nhiệm cử ngay cán bộ phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và chính quyền các địa phương kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại các cảng, bến cá, khu vực tránh trú trên địa bàn tỉnh theo Thông báo số 863/TB-UBND ngày 12/9/2005 của UBND tỉnh, nếu tàu nhỏ thì kéo lên bờ, nếu tàu lớn mà chưa có nơi neo đậu tránh trú thì có thể sử dụng kinh nghiệm trước đây của ngư dân là đánh đắm tàu… Đặc biệt là vận động các chủ tàu đánh cá ở Phường 4, phường 6 và của các địa phương khác đang neo đậu tại hạ lưu sông Đà Rằng khẩn trương di chuyển vào Vũng Rô, ra cảng Tiên Châu và một số nơi khác để tránh trú, công việc này phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 03/12/2006.
4. Bộ chỉ huy huy Bộ đội Biên phòng tiếp tục bắn pháo hiệu kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động tại vùng ảnh hưởng của bão vào nơi tránh trú an toàn. Tuyệt đối không cho bất cứ tàu thuyền nào của ngư dân ra biển hoạt động (trừ tàu cứu hộ, cứu nạn) kể cả khi bão vừa mới tan.
5. Sở Giao thông & Vận tải chuẩn bị ngay lực lượng, vật tư phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt (kể cả dọn dẹp cây xanh 2 bên đường bị đổ do bão). Đình chỉ hoạt động các phương tiện chở khách qua sông, đầm, vịnh trong khi có bão. Cùng với các địa phương vận chuyển kịp thời việc sơ tán nhân dân.
6. Sở Y tế, Hội chữ thập đỏ tỉnh thành lập ngay các đoàn cán bộ y tế, đưa xuống các địa phương vận động nhân dân các vùng trũng dùng ni lông bao giếng nước sinh hoạt của gia đình, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, hoá chất để tham gia cứu chữa kịp thời miễn phí cho người bị nạn và xử lý môi trường sau khi bão tan.
7. Sở Bưu chính viễn thông phối hợp ngay với các đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp đảm bảo thông tin liên lạc giữa các vùng trong tỉnh một cách thông suốt, đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc cho các cơ quan của Đảng, chính quyền, Thường trực Ban chỉ huy PCLB, các cơ quan quan trọng khác…
8. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng tại địa phương tổ chức bảo vệ và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố tất cả các công trình đang quản lý như: Hồ, đập, kè, cống, kênh mương, cầu, cảng, các công trình về y tế, văn hoá, giáo dục, kho tàng, đặc biệt là hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc… Có kế hoạch Bảo vệ hồ sơ, tài liệu, các trang thiết bị… của cơ quan, nhất là những cơ quan, đơn vị có mái nhà lợp tôn, hệ thống cửa bằng kính.
9. Các lực lượng vũ trang: Bộ chỉ huy Quân sự, Công an, Bộ chỉ huy Bộ Đội Biên phòng cùng sở Thuỷ sản triển khai thực hiện:
a) Điều động cán bộ, chiến sĩ xuống phối hợp cùng với các địa phương sơ tán nhân dân (kể cả ngư dân trên các lồng bè) và khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 theo hướng phân công như sau:
- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng kết hợp với sở Thuỷ sản phụ trách địa bàn huyện Sông Cầu và huyện Tuy An.
- Công an tỉnh phụ trách địa bàn thành phố Tuy Hoà và tuyến đường Quốc Lộ 1A, 1D.
- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trách địa bàn huyện Đông Hoà. (các huyện còn lại tuỳ theo diễn biến của cơn bão để có sự chỉ đạo cụ thể)
b) Tập trung lực lượng cán bộ, chiến sĩ túc trực tại chỗ, kiểm tra khởi động các phương tiện vận tải, tàu, ca nô, xe cứu thương (các phương tiện này phải có đủ nhiên liệu hoạt động), sắp xếp đưa ra khỏi kho các trang thiết bị, vật tư như: áo phao các loại, nhà bạt, máy thông tin liên lạc… chuẩn bị sẵn sàng trước 16 giờ ngày 03/12/2006 để khi có lệnh điều động là thực hiện ngay.
10. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khẩn trương tập trung lực lượng và chỉ đạo cho các huyện, thành Đoàn thành lập ngay các Đội Thanh niên xung kích tại cơ sở để tham gia sơ tán nhân dân, phòng chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 9 với các địa phương.
11. Các Thành viên Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã được phân công phụ trách địa bàn theo Thông báo số 39/TB/PCLB ngày 10/11/2006 phải sắp xếp công việc về các địa phương được phân công từ sáng ngày 03/12/2006 để cùng địa phương tham gia chỉ đạo phòng chống cơn bão số 9.
12. Đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo theo dõi diễn biến tình hình cơn bão số 9 để có quyết định các cho em nghỉ học trong thời gian phù hợp, nhất là vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa…
13. UBND thành phố Tuy Hoà chỉ đạo Công ty Công trình đô thị kiển tra cắt tỉa cành, nhánh cây xanh có khả năng bị gãy, đổ…
14. Bên cạnh triển khai các biện pháp phòng chống bão số 9, đồng thời các địa phương, các Sở, Ban, Ngành có liên quan cũng phải lưu ý cần có biện pháp giữ nước phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, phát điện và sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới.
15. Các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi chặt chẽ và dành thời lượng thông báo kịp thời diễn biến của bão, những ý kiến chỉ đạo của chính quyền các cấp để nhân dân biết chủ động phòng tránh.
16. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng tại địa phương phải phân công Lãnh đạo trực 24/24 giờ để có đủ thẩm quyền xử lý công việc. Báo cáo tình hình triển khai phòng chống bão sô 9 và các biện pháp khắc phục về Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh theo quy định cứ 2 giờ một lần.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng tại địa phương triển khai thực hiện ngay các biện pháp phòng chống cơn bão số 9 nêu tại Công điện này.