Thứ Năm, 28/11/2024 03:33 SA
Nghề đan nón ở Mỹ Thuận
Thứ Sáu, 11/05/2012 11:00 SA

Thôn Mỹ Thuận ngoài (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) được xem là một trong số ít vùng còn nhiều gia đình duy trì nghề đan nón lá. Vừa nhìn các chị thoăn thoắt đan nón, vừa nghe họ nói về nghề, tôi thấy thật thú vị.

non120511.jpg

Các chị khâu cước cho nón lá - Ảnh: T.DIỆU

NHỌC MÀ VUI

Người đan nón của xã Hòa Đồng truyền nhau câu thơ: “Thức khuya dậy sớm cho hư/Mà nghề đan nón chẳng dư đồng nào”. Hai câu thơ đã lột tả hết sự vất vả, nhọc nhằn của nghề đan nón. Người đan nón trong thôn cắt nghĩa từ hư là hao gầy, việc thức khuya, dậy sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Qua tìm hiểu, tôi thấy nghề này cũng lắm công phu. Một cái nón hoàn chỉnh cần phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên là xử lý lá nón (lá cọ non). Lá cọ được phơi khô đến xoăn tít lại. Sau đó phơi sương để lá mềm và trở nên dẻo dai. Đặt một miếng gang (gang ngăn ngọn lửa làm cháy lá) trên lò lửa than, để lá nón lên trên miếng gang, dùng một bọc vải miếc và vuốt lá cọ đang xoăn tít trở nên thẳng và bóng mượt. Nguyên liệu quan trọng nữa là cây nùng. Nùng có đặc tính dẻo dai nên được dùng làm khung nón. Sau khi phơi khô, nùng được chẻ nhỏ, vót tròn dùng để quấn thành tiến nón. Tiến nón được quấn quanh một khuôn nón (8 thanh gỗ còn gọi là 8 cây kèo, mỗi cây kèo được khắc thành 16 bậc để vừa với 16 tiến nón). Một đầu của mỗi cây kèo sẽ được đục lỗ cột chắc chắn vào nhau tạo thành phần nhọn, đầu còn lại sẽ tạo thành thế chân nón chắc chắn. Tiếp theo là công đoạn lợp lá, khâu cước và cuối cùng là cắt tỉa lá, cước thừa để hoành chỉnh chiếc nón.

Chị Mai Thị Chủng có kinh nghiệm gần 20 năm đan nón, kể: “Mất khoảng 2 giờ là có thể đan xong một chiếc nón. Người lành nghề thì mỗi ngày đan được 6-7 chiếc. Mỗi chiếc nón có giá bình quân từ 9.000-12.000 đồng”. “Nón bán giá cao là nón dày, còn giá thấp là nón thưa. Một chiếc nón dày có giá 18.000-20.000 đồng. Nón dày thì nguyên liệu phải tốt và đường kim khâu phải tỉ mỉ, không tạo những lỗi lỗ kim trên nón, nhìn vào thấy cái nón bóng và chắc mới đẹp. Nón dày bán giá cao, nhưng lại rất nhọc công”, chị Phan Thị Hương, một người nổi tiếng đan nón đẹp chia sẻ. Còn chị Lê Thị Nga cho rằng: “Mỗi ngày cật lực đan nón, chúng tôi kiếm được vài chục ngàn để chăm lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Nghề này nhọc công nhưng thu nhập không thấm vào đâu. Tuy nhiên, gắn bó với nghề lâu rồi nên không nỡ bỏ được. Làm nón tuy nhọc mà vui”.

CẦN SỰ HỖ TRỢ

Nghề đan nón không đòi hỏi sức mạnh. Công việc được xếp vào loại nhẹ nhàng, tận dụng thời gian nhàn rỗi. Những người đan nón còn có thể tập hợp lại một nơi để vừa trò chuyện vui vẻ, vừa đan nón đạt năng suất cao. Điều đặc biệt là nghề đan nón rất dễ học. Người sáng dạ chỉ học 2 ngày, người chậm hơn cần khoảng 7 ngày sẽ biết cách đan nón. Chính vì thế mà hầu hết ai sinh ra trong làng nghề đều biết cách đan nón ngay từ nhỏ. Em Phan Thị Thu Hằng, học sinh lớp 8 nói: “Em rất thích đan nón. Em đan nón giúp mẹ mỗi khi học bài xong”. Một số chị em nói chuyện với nhau nửa đùa, nửa thật là nếu các con không học hành đến nơi đến chốn thì ở nhà đan nón. Chúng được sinh ra trong làng nghề truyền thống thì không thể đói được.

Tuy nhiên, số lượng người đan nón trong xã thời quan qua đã giảm đi đáng kể do người lao động đã chọn một số nghề nghiệp khác có thu nhập cao hơn để kiếm sống. Ông Võ Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Đồng, cho biết: “Vào mùa nắng thì ước tính có khoảng 700-800 người đan nón, vào mùa mưa thì số lượng người tham gia có thể sẽ tăng gấp đôi. So với vài năm trước, số người đan nón đã giảm nhanh”.

Cũng theo ông Đạt, xã Hòa Đồng chỉ còn các thôn như Mỹ Thuận, Phú Mỹ có người đan nón tập trung. Trong tương lai gần thì đan nón vẫn là một lựa chọn của xã để duy trì và phát triển, giúp người dân có thu nhập ổn định. Nhưng để đan nón trở thành làng nghề có sức sống thì cần phải có sự quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ban đầu và hướng tiêu thụ đầu ra.

TUYẾT DIỆU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek