Ở cái tuổi được coi là đẹp nhất của người con gái, nhưng với Cao Thị Kim Phấn là sự buồn tủi, dày vò của bệnh tật. Năm lên 9 tuổi, Phấn đã đối mặt với hai căn bệnh nan y: vẹo cột sống (lạ) và suy tim cấp. Suốt hơn 10 năm nay em đã gắng gượng chống chọi với bệnh tật trong sự túng quẫn của gia đình.
Bé Phấn ngày đêm chống chọi với bệnh tật - Ảnh: T.QUỚI
Cao Thị Kim Phấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Cha là Cao Văn Nuôi và mẹ là Nguyễn Thị Thơm vốn đã nghèo từ lúc mới lập gia đình. Năm 2003, gia đình nhỏ này được hỗ trợ xây dựng một ngôi nhà cấp 4 theo diện hộ nghèo. Cuộc sống cả nhà phụ thuộc vào 2 sào lúa nước. Lúc nông nhàn, cha Phấn thường đi đánh lưới trên sông gần nhà, còn mẹ làm thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Cuộc sống cả gia đình vất vả, thiếu thốn, lại gánh thêm những phiền muộn khi năm 2003, con gái đầu lòng Cao Thị Kim Phấn mang trong mình hai căn bệnh hiểm nghèo là vẹo cột sống và suy tim cấp.
Con đau, cha mẹ phải thắt ruột chạy chữa. Tiền làm nhà phát sinh chưa trả xong, họ phải vay nợ mới để chạy chữa cho con. Bác sĩ khám cho Phấn lắc đầu: Cơ tim phì đại, hở van hai lá, suy tim độ hai; phải vào TP Hồ Chí Minh để mổ. Chị Thơm chỉ biết ôm con khóc và chờ điều may mắn. Nhưng điều may mắn chưa đến thì trong người cô bé học lớp ba xuất hiện thêm một căn bệnh quái ác khác. Lần này là bệnh căng cơ cột sống khiến Phấn không thể ngồi để học bài, còn chứng đau tim lại làm em ngất xỉu thường xuyên. Vợ chồng anh Nuôi, chị Thơm cả ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng không thấm vào đâu so với số tiền chạy chữa cho con. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Phấn âm thầm chịu đựng. Muốn cha mẹ vui, Phấn vượt lên nỗi đau cố gắng học tập, mang về những tờ giấy khen đều đều. Đến năm lớp 7, cả hai chứng bệnh bùng phát dữ dội, khiến em phải nghỉ học.
“Trong nhà giờ không còn tài sản giá trị để bán nữa. Trước có mấy con bò bán hết rồi, nợ nần chồng chất. Vừa rồi tôi phải bán lúa non lấy 3 triệu đồng vào Sài Gòn chữa bệnh cho con”, chị Thơm sụt sùi. Phó chủ tịch UBND xã Sơn Giang Nguyễn Thái Hưng xác nhận: “Trường hợp cháu Phấn quá thương tâm. Mỗi khi có các Mạnh Thường Quân về xã cứu trợ, gia đình cháu Phấn được ưu tiên đầu danh sách. Gia đình cháu Phấn được xét cấp sổ hộ nghèo, riêng cháu được trợ cấp xã hội mỗi tháng 180.000 đồng”.
Năm 2009, biết được hoàn cảnh gia đình và bệnh tật của Cao Thị Kim Phấn, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến giúp đỡ cho cháu trị bệnh. Trong đó, bà Lê Thị Nhung ở phường 1, TP Tuy Hòa đã nhận giúp thanh toán tất cả các đơn thuốc cho cháu Phấn khi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Bà Nhung còn vận động con gái mình (đang công tác ở TP Hồ Chí Minh) vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm để giúp cháu Phấn được mổ tim miễn phí. Thật oái oăm, khi Phấn được đưa vào TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật thì điều kiện sức khỏe em không cho phép. Các bác sĩ cho biết, bệnh tim của cháu rất nặng, trong khi đó bệnh căng cơ cột sống là thể bệnh lạ có thể gây tử vong rất cao trong khi phẫu thuật. Từ đó đến nay, Kim Phấn phải thường xuyên vào TP Hồ Chí Minh tái khám và điều trị khi bệnh tái phát. Lúc đầu, có mẹ dẫn đi, về sau em phải tự đi một mình vì không đủ tiền mua vé xe cho mẹ. Giữa Sài Gòn đông đúc, Kim Phấn xin vào chùa ở, ăn cơm chùa miễn phí và còn được nhận sự giúp đỡ từ những tấm lòng từ thiện để đến bệnh viện chữa bệnh. Mỗi đợt như vậy kéo dài từ 5-10 ngày. Nhiều lúc bệnh tái phát, Phấn chỉ biết cắn răng chịu đựng để qua cơn. Có lần, Phấn đã nghĩ đến cái chết để đỡ gánh nặng gia đình và giải thoát sự dày vò của bệnh tật.
Hôm chúng tôi và những nhà hảo tâm (TP Tuy Hòa) đến thăm và trao tiền, Cao Thị Kim Phấn nấc nghẹn: “Chứng bệnh đau lưng và tim của cháu nay đã đến giai đoạn quá nặng. Thân thể cháu giống như một con robot, không thể khom. Đã 10 năm nay cháu chống chọi với bệnh tật, có lúc nghĩ quẫn nhưng giờ thì qua rồi. Cháu biết, bên cạnh mình còn có cha mẹ, bạn bè, người thân và đặc biệt là những nhà hảo tâm đến chia sẻ. Cháu tự nhủ mình phải cố gắng chống chọi với bệnh tật. Ước mơ lớn nhất của cháu là mong có sức khỏe để có thể đi lại bình thường.
Hàng ngày, ngoài thời gian bị cơn đau hành hạ, Phấn tìm đến sách, ti vi để thư giãn và nuôi dưỡng hy vọng. Điều khiến Phấn ưu tư và mọi người băn khoăn là hiện nay các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 115 (TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa tìm ra phương pháp vừa chữa bệnh vẹo cột sống vừa mổ tim. Liệu Phấn và gia đình có đủ sức chống chọi và có tiền để tiếp tục điều trị bệnh? Trong khi, hai căn bệnh càng chuyển nặng và đe dọa đến mạng sống Phấn từng ngày.
THẾ NHƠN