Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội, trong đó, việc tạo các sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các em là điều không thể thiếu. Đối với trẻ em miền núi, vấn đề này cần đặc biệt quan tâm hơn nữa.
Các em nhỏ buôn Ly, xã Ea Trol với trò chơi kéo co - Ảnh: K.CHI
Một buổi sáng ngày nghỉ tại buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), bên hiên ngôi nhà truyền thống của đồng bào Ê Đê, một nhóm trẻ em đang chơi trò chơi ưa thích: kéo co. Em A Run H’Léo học lớp 4C Trường tiểu học Ea Trol nói: Hôm nay được nghỉ học nên bọn cháu tập trung ở đây chơi. Những lúc rảnh rỗi mấy đứa cháu cũng chỉ chơi các trò như kéo co, bịt mắt bắt dê… thôi. Bọn cháu cũng thích có mấy trò chơi như trên ti vi như trượt nước, nhà banh lắm nhưng ở đây không có. Em Nay H’Hoan, lớp 4B cho biết: Từ nhỏ đến lớn, ngoài giờ đến lớp, em chỉ ở nhà phụ mẹ nấu cơm thôi, vì cả nhà lên rẫy hết. Có lúc các bạn rủ em chơi nhảy dây, hay kéo co thì em chơi, chứ ở buôn cũng không vui bằng những nơi khác hay trong ti vi đâu.
Trên thực tế, sân chơi cho trẻ em miền núi hầu như chưa có gì, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Biểu hiện rõ nhất là khi được nghỉ học ở trường, các em cũng chẳng biết chơi gì trong khi cuộc sống của gia đình các em còn quá nhiều khó khăn. Vậy nên, nghỉ học là các em phải lao vào phụ giúp cha mẹ, cả việc nhà lẫn việc rẫy. Mà nếu có thời gian giải trí, các em cũng không biết tham gia vào hoạt động nào cho phù hợp bởi không có sân chơi. Anh A Run Y Khuất, xã Ea Trol nói: “Ở mấy buôn miền núi này, tôi có thấy sân chơi gì đâu, nhiều hôm, trời nắng như đổ lửa, vậy mà mấy đứa nhỏ vẫn không mũ nón, giày dép, thậm chí không có áo mặc, theo người lớn vào hái bắp, hái rau rừng. Chẳng khác gì người lớn, các em cũng phơi nắng dầm mưa cả ngày; thậm chí lúc mưa gió, lụt lội các em vẫn sẵn sàng lội giữa dòng nước xiết để bắt cá, bắt ốc”. Không chỉ vậy, một số trẻ em nhà nghèo khó, còn mang rựa, dao vào tận rừng sâu chặt củi, gùi những gùi củi trông lớn hơn người, bán cho chủ các cửa hàng. Em K Pá Viên, buôn Ma Gú, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa kể: Cứ mỗi lúc rảnh rỗi là cháu lại đi chăn bò thuê cho người ta để kiếm tiền mua dụng cụ học tập. Cháu thấy các bạn mấy ngày nghỉ học được chơi bắn bi, ném đá… cháu thích lắm nhưng cũng đành chịu, vì nhà cháu nghèo, lại còn em nhỏ nên cháu phải làm phụ gia đình. Cháu ước lễ, tết được đi về huyện, tỉnh để vui chơi cho thỏa thích ở những điểm vui chơi lớn…
Ông Phan Văn Ân, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh cho biết: Đối với trẻ em ở các buôn làng của miền núi, mơ ước về một sân chơi rộng rãi, an toàn với những trò chơi lành mạnh và bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của các em là một ước mơ còn xa vời. Các hoạt động như: Ngày 1/6, Tết Trung thu, các cháu còn được đến vui chơi tại các nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hàng ngày của các em. Việc tạo ra nhiều điểm vui chơi cầu lông, sân đá bóng mini, hay hướng trẻ đến với các trò chơi dân gian… giúp trẻ quan tâm, tìm hiểu về truyền thống quê hương.
Công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn cần được Nhà nước, các ngành chức năng và cả cộng đồng cùng quan tâm. Các địa phương cũng cần huy động sức dân, tiết kiệm ngân sách, dành một khoản kinh phí đầu tư cho các sân chơi vừa và nhỏ.
HOÀNG LÊ