Nguồn tiền thực sự đi vào nền kinh tế không tăng đột biến đến mức đáng lo ngại.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, lương tối thiểu tăng từ 830.000 đồng lên 1,05 triệu đồng (áp dụng từ 1/5) là tăng 26% và cao hơn tốc độ trượt giá hiện nay. Trong khi nhiều người làm công ăn lương cho rằng, trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, việc tăng lương phần nào giúp họ giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống, thì không ít ý kiến khác tỏ ra lo ngại về việc “té nước theo mưa”, giá cả hàng hóa sau mỗi đợt tăng lương lại bị đẩy lên một bằng giá mới.
Những lo ngại của người dân không phải là không có lý do, bởi cứ mỗi dịp tăng lương thì giá cả hàng hóa, dịch vụ đã rục rịch tăng trước đó. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mức lương cơ bản lần nay mặc dù tăng tới 26%, nhưng nó chỉ tác động đến hơn 6 triệu người hưởng lương ngân sách. Do đó, nguồn tiền thực sự đi vào nền kinh tế không tăng đột biến đến mức đáng lo ngại.
Ông Vũ Đình Ánh cũng nhận định, việc tăng lương cơ bản này không tác động quá mạnh đến tình hình giá cả sắp tới: “Giá tăng đã phản ánh vào tháng 4 rồi, không đợi tăng lương thì họ mới tăng giá, mà toàn tăng trước. Kịch bản năm 2012 khác hẳn. Mặc dù mức tăng cao nhất từ trước đến nay nhưng tác động hiệu ứng của nó đến tổng cầu và lạm phát là không lớn. Gần giống như câu chuyện xăng dầu. Mặc dù tăng chi phí đầu vào nhưng CPI không tăng, lần này mặc dù tăng một phần khả năng thanh toán cũng không thể làm CPI tăng nhiều”.
Hiện, Tổng Cục Thống kê – Bộ Kế hoạch Đầu tư chưa có con số tính toán cụ thể về việc tăng lương tối thiểu lần này sẽ tác động như thế nào đến chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo đợt tăng lương tối thiểu ở khu vực hành chính sự nghiệp lần này sẽ không tác động quá nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số trong năm nay.
Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Với chiều hướng như hiện nay và việc tăng lương như vừa rồi thì chúng tôi hy vọng là CPI vẫn giữ ở 1 con số”.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá chặt chẽ, bởi từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã 2 lần điều chỉnh tăng giá, cộng thêm với đợt tăng lương này, khó tránh khỏi tình trạng giá cả bị đẩy lên theo kiểu “té nước theo mưa”. Khi giá cả tăng thì không chỉ tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, mà ngay cả việc tăng lương đối với công viên chức nhà nước cũng sẽ không đạt hiệu quả mong muốn là nâng cao thu nhập và mức sống cho người làm công ăn lương.
Theo VOV