Hơn một tháng qua, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, Công đoàn ngành NN- PTNT cùng các sở, ngành liên quan và lãnh đạo phường 6 (TP Tuy Hòa) đã có cuộc vận động ngư dân phường 6 sớm vào tổ chức nghiệp đoàn nghề cá. Và điều mong đợi đã đến.
Có Nghiệp đoàn Nghề cá bà con ngư dân an tâm vượt sóng ra khơi - Ảnh: N.HÂN
LIÊN KẾT ĐỂ VỮNG MẠNH
Toàn tỉnh hiện có 24 xã, phường ven biển, có 7.200 tàu thuyền, với tổng công suất 208.000CV, trong đó có 741 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ, câu cá ngừ đại dương với sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn; 60% sản lượng cá ngừ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, Châu Âu. Tại TP Tuy Hòa có 966 tàu khai thác hải sản, riêng phường 6 hiện có 341 tàu đánh hải sản, với 2.230 lao động, trong đó có 223 tàu khai thác chính là nghề câu cá ngừ đại dương. Mặc dù Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường quen thuộc của ngư dân phường 6, song mỗi khi ra khơi là phần ai nấy đi, cùng lắm là đi theo họ hàng hoặc bạn bè thân thiết. Các lão ngư dày dạn kinh nghiệm của “thủ phủ” nghề câu cá ngừ đại dương này cho biết: Thường thì mỗi nhóm như vậy không quá ba tàu. Nếu một trong ba tàu đó bị nạn thì hai tàu kia còn “cứu” được, còn chẳng may bị nạn hai tàu thì... đành chịu!
Đánh bắt xa bờ nhưng phần lớn các tàu ở phường 6 đều có công suất nhỏ, nên mỗi khi gặp “tàu lạ”, họ dễ bị bắt nạt. Sự nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tàu thuyền và ngư dân phường 6 bị tàu nước ngoài hành hung, bắt bớ, đòi tiền chuộc, thậm chí nhiều người phải bỏ mạng giữa biển. Mới đây, địa phương đã hình thành các tổ, đội sản xuất đánh bắt hải sản trên biển, song vẫn chưa đủ lực để tạo nên sự vững mạnh, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trước yêu cầu mới, đòi hỏi phải có một tổ chức riêng biệt đại diện cho ngư dân. Nghiệp đoàn nghề cá cho các địa phương ven biển nói chung và cho ngư dân phường 6 nói riêng là một nhu cầu bức thiết hiện nay.
MONG ĐỢI NGÀY RA MẮT
Công tác khảo sát tình hình đời sống cũng như nguyện vọng của ngư dân do Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện xong phần cơ bản. Cuộc gặp mặt với đại diện cho 2.230 ngư dân phường 6 vào chiều 27/3 như là bước kiểm tra cuối cùng.
Mong muốn lớn nhất được những ngư dân tham gia tại các buổi gặp, nêu ra là: Vào nghiệp đoàn họ sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Ngư dân Đỗ Năm nói: “Chuyện vô nghiệp đoàn không có gì khó, song nó phải là một tổ chức hữu ích cho ngư dân chúng tôi, chứ không phải “đánh trống ghi tên” cho vui”. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, giải thích: “Chắc chắn rằng, nghiệp đoàn nghề cá sẽ là “mái nhà chung” của bà con ngư dân. Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm để tổ chức nghiệp đoàn nghề cá hoạt động có hiệu quả. Chẳng hạn như việc sẽ vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ những ngư dân chẳng may gặp nạn trên biển; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ về vật lực để bà con đánh bắt hiệu quả hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng để ngư dân được ra khơi, không chỉ là để nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn là để bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia nữa”.
Ông Biện Sáu, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành NN-PTNT, cho biết: “Phú Yên là một trong bốn địa phương trong cả nước được chọn thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Chúng tôi xác định rằng, thành lập nghiệp đoàn là để hỗ trợ cho ngư dân an tâm bám biển. Các thành viên trong nghiệp đoàn sẽ có những quyền lợi thiết thực như được ưu tiên vay vốn để mua sắm trang thiết bị (đối với chủ tàu), được luật pháp, kể cả luật pháp quốc tế, bảo vệ khi ra khơi; người lao động dễ tiếp cận với các phương pháp khai thác mới thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức của mình...”.
Ông Huỳnh Trọng Danh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Trưởng ban chỉ đạo thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá Phú Yên cho biết: Ngày 29/3, Nghiệp đoàn Nghề cá Phú Yên sẽ chính thức ra mắt, lấy phường 6 làm nơi thí điểm đầu tiên, sau đó sẽ phát triển ở các xã, phường ven biển còn lại trong tỉnh. Sau khi được nghiên cứu các tài liệu về tổ chức Công đoàn và nghiệp đoàn, trên 150 ngư dân của phường 6 đã tự nguyện ký vào đơn gia nhập tổ chức nghiệp đoàn nghề cá.
KHÁNH VY