Như Báo Phú Yên đã thông tin, vào khoảng 14g45 ngày 29/2, tại khu vực Bến Mương, sông Ba, thuộc thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước thương tâm, làm chết 3 học sinh. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng trẻ em đuối nước.
Ông Phan Quý Hoàng và ông Phan Văn Thông kể lại việc cứu vớt các nạn nhân. - Ảnh: T.HỘI
NHỮNG CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM
Sáng 1/3, cả lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Thế Bảo trĩu nặng một bầu không khí đau buồn.Ngoài 3 bạn xấu số đã vĩnh viễn ra khỏi danh sách lớp, 2 bạn may mắn sống sót cũng phải nghỉ học để phục hồi sức khỏe và ổn định tinh thần mới có thể đi học lại.
Chúng tôi đến nhà em Lê Thị Thúy Hằng, một trong hai em may mắn sống sót thì thấy em nằm mê man, trùm chăn kín đầu. Ông Lê Văn Tính, cha của Hằng cho biết: “Con tôi vừa xuất viện về nhà trong sáng nay. Từ hôm qua đến giờ, nó vẫn còn ngơ ngác chưa nói được gì. Nhờ người ta cứu được, nếu không thì… tôi đã mất con rồi”.
Hai trong số ba em xấu số, gia đình đã tổ chức mai táng ngay trong đêm 29/2, còn thi thể em Nguyễn Thị Phượng đến trưa ngày 1/3 mới tiến hành mai táng vì đợi người thân trở về. Nhà em Phượng có hai chị em, Phượng còn chị gái đang học lớp 10; ba, mẹ Phượng đều còn rất trẻ (đều 37 tuổi), gia đình kinh tế cũng khá giả nên rất quan tâm chăm lo cho việc học và tương lai của con, nhưng thật đau đớn... Mọi người đến dự và đưa tang em Phượng đều không cầm được nước mắt khi nghe tiếng kêu gào thảm thiết của mẹ em Phượng, chị Phạm Thị Kim Phi: “Mẹ luôn đặt hy vọng tất cả vào con, nhưng tại sao con bỏ đi!”.
Trong số 3 học sinh xấu số, em Phùng Thị Thu Thảo có hoàn cảnh thương tâm nhất. Từ nhỏ, ba, mẹ Thảo đã ly hôn. Anh trai của Thảo thì sống với ông, bà nội, còn Thảo sống với ông, bà ngoại. Bà Đinh Thị Thiếp (60 tuổi), ngoại của Thảo như không còn nước mắt để khóc, nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Tội nghiệp cháu tôi, nó thiếu hơi ấm của mẹ, cha nên cứ quấn quýt với tôi từ nhỏ đến giờ. Cứ tưởng cũng gần tới ngày nó trưởng thành có thể tự nuôi sống bản thân được, nào ngờ…”
CHUYỆN KỂ LẠI Ở BẾN MƯƠNG
Chưa được một tuần toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước làm chết tổng cộng 5 em học sinh. Trước đó, ngày 28/2, em Bùi Tấn Hoàng, học sinh lớp 5B Trường Tiểu học số 1 Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) cùng một nhóm bạn rủ nhau tắm biển thì bị sóng biển cuốn trôi. Ngày 26/2, em Võ Trung Thành (SN 2004) ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cũng bị chết đuối khi cùng một số bạn rủ nhau đi tắm suối.
Trở lại Bến Mương, sông Ba, nơi xảy ra buổi chiều định mệnh với 3 học sinh xấu số, chúng tôi gặp ông Phan Quý Hoàng và ông Phan Văn Thông (đều 77 tuổi), là hai trong số 7 người cùng tham gia cứu vớt các em. Nhà ông Hoàng và ông Thông cách nơi các em đuối nước khoảng 150m. Ông Hoàng cho biết, lúc đó khoảng 15g (29/2), ông cùng ông Thông và một số người nữa đang ngồi chơi trong nhà thì nghe con trai tôi hô hoán có người đuối nước. “Lúc chạy ra đến nơi thì thấy một nhóm học sinh (4 nam, 1 nữ) mình mẩy ướt sũng, dính đầy bùn đất đang thất kinh chạy lên bờ. Tôi hỏi một đứa trong nhóm: Có mấy đứa chìm dưới nước, sao không cứu mà bỏ chạy vô? Cháu này bảo: Nhiều lắm làm sao cháu cứu được!”
Ngay sau đó, ông Hoàng nhảy xuống vớt được em Hằng lên bờ và mọi người hô hấp cứu sống. Rồi tiếp đó, ông Thông vớt được em Phượng đưa lên bờ nhưng lại không cứu sống được, dù tim em này vẫn còn đập. Ông Thông nói: “Con trai tôi sờ vào mạch trên cổ và tay cháu này vẫn còn thấy đập, nhưng sau một lúc dùng các phương pháp sơ cứu thì thấy cháu này đã chết”. Hai em còn lại tiếp tục được mọi người tìm kiếm, cứu vớt nhưng khi đưa được lên bờ, các em đều đã tử vong.
ĐỊA PHƯƠNG NÊN CÓ BIỆN PHÁP
Khu vực Bến Mương và một số khu vực lân cận dọc bờ sông Ba thuộc thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) vào mùa khô, nước sông ít, dưới lòng sông hình thành nhiều vũng nước và lộ ra nhiều doi cát trắng, sạch, do vậy thanh niên, học sinh thấy vậy rất hay thường rủ nhau đến đây để tâm sự, ngắm cảnh hoặc chơi đùa. Tuy nhiên, một số thanh niên, học sinh không biết hoặc không lường hết được sự nguy hiểm vì nơi đây có nhiều vũng nước sâu hoắm, hiểm trở. Chính vì thế, những năm trước đây cũng đã từng xảy ra các vụ đuối nước thương tâm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp cảnh báo ở khu vực này. “Chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng nên kịp thời đặt biển cảnh báo nguy hiểm nơi đây để tránh hiện tượng đáng tiếc tương tự xảy ra”, ông Thông nói.
Một vấn đề cần quan tâm là bên cạnh việc tập bơi cho các em, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức các chương trình tập huấn cho những người dân sống khu vực ven sông, suối, biển hồ phương pháp sơ cứu cho người bị đuối nước. Vì theo tìm hiểu, hầu hết người dân ở khu vực Bến Mương, thôn Phong Niên, đều chưa được tập huấn về kỹ năng, phương pháp cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu ban đầu đối với người đối nước. Theo thực tế mô tả của ông Hoàng và ông Thông về cách sơ cứu các học sinh đuối nước, cho thấy họ và nhiều người khác đã không làm theo các bước đúng cách.
Sáng 1/3, lãnh đạo huyện Phú Hòa cùng các ban ngành, đoàn thể và địa phương đã đến thăm viếng, động viên, chia buồn các gia đình có con em bị chết đuối chiều ngày 29/2 hỗ trợ mỗi trường hợp 1 triệu đồng, giúp gia đình vượt qua nỗi đau. P.NAM |
THANH HỘI - TRẦN HOÀI