Thứ Năm, 10/10/2024 12:23 CH
Khi phụ nữ bỏ quê ra phố
Thứ Bảy, 25/02/2012 18:00 CH

Cuộc sống khó khăn khiến không ít phụ nữ ở những vùng quê nghèo bỏ quê lên phố với ước mong kiếm chút tiền để trang trải cho cuộc sống thường nhật.

 

cay-lua120225.jpg

Trước những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, đời sống của lao động nữ ở nông thôn gặp không ít khó khăn - Ảnh: N.DUNG

MƯU SINH NƠI PHỐ

 

Ngày trước, ba mẹ chị Nguyễn Thị Châu ở xã Hòa Bình 2 (huyện Tây Hòa) nghèo nên chỉ ráng cho chị học hết cấp hai. Chị Châu lớn lên lấy chồng sinh con, cuộc sống quẩn quanh trong khó khăn, túng thiếu. Ở quê, năm nào lúa mất mùa, rớt giá thì coi như năm đó gia đình rơi vào cảnh “giật gấu, vá vai”. Hơn nữa, chồng chị lại mắc chứng bệnh đau thần kinh tọa, nên mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai chị. Để có thêm thu nhập, hơn ba năm nay, chị Châu rời quê vào TP Hồ Chí Minh làm “chân” phụ bán quán cơm ở quận 1. Mỗi tháng trừ các khoản chi phí, chị dành dụm được hơn 2 triệu đồng gửi về cho chồng con. Với những người phụ nữ ở quê như chị, đây là số tiền lớn. Nếu chỉ quanh năm trông chờ vào hai vụ lúa như trước đây thì hàng tháng chị không thể kiếm đâu ra số tiền như vậy để lo hai con gái nhỏ ăn học và trang trải cuộc sống gia đình. Chị Châu trầm tư: “Từ ngày đi làm thuê, cuộc sống gia đình đỡ chật vật, nhưng tôi lại không có điều kiện gần gũi con cái, chăm sóc chồng bệnh. Nhiều lúc thương nhớ chồng con đến thắt ruột nhưng vì gia đình mà tôi đành bấm bụng chịu đựng!”.

 

Cũng với mong muốn thoát khỏi đói nghèo, chị Trần Thị Lệ ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) cùng chồng lặn lội vào TP Hồ Chí Minh bán vé số dạo. Chị Lệ tâm sự: “Ở quê, tất cả các khoản chi tiêu, vợ chồng tôi chỉ biết trông vào mấy sào ruộng khoán. Gặp những năm lũ lụt, hạn hán, mất mùa, cuộc sống của gia đình tôi hết sức túng quẫn”. Lúc trước, vợ chồng chị Lệ đi hái cà phê, chặt mía thuê ở khắp các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk… nhưng công việc làm thuê lúc có lúc không, vì người nhiều việc ít. Đã thế, chị Lệ lao lực nhiều lại ăn uống kham khổ nên thường xuyên đau ốm. Chị thổ lộ: “Hiện giờ tôi đi bán vé số dạo tuy vất vả, nhưng không mất quá nhiều sức lực. Tôi “trụ” được với nghề này hơn bốn năm nay”. Từ ngày đi bán vé số dạo đến giờ, chị cùng chồng dành dụm được ít tiền để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm các vật dụng khác trong gia đình.

 

Từ lâu, nông dân ly hương đã không còn là chuyện mới ở những vùng quê nghèo. Trước những rủi ro trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi, các mặt hàng nông sản trên thị trường rớt giá, người nông dân không thể trông chờ vào hạt lúa. Họ tìm đến các thành phố lớn làm công nhân trong các xí nghiệp may mặc, giày da, hoặc đi làm thuê… Phần lớn công việc này không đòi hỏi nhiều về trình độ học vấn. Nhưng trước nay, hầu hết là đàn ông, nam nữ thanh niên bỏ quê ra phố, còn bây giờ không chỉ riêng chị Châu, chị Lệ mà có không ít phụ nữ bỏ quê ra phố làm thuê từ việc trông trẻ, bán quán cơm, bán vé số, giúp việc nhà… với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

ĐỂ PHỤ NỮ KHÔNG “LY HƯƠNG”

 

Trưởng ban Gia đình xã hội Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Phương Nam chia sẻ: Với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Sống tha hương nơi đất khách quê người là chuyện bất đắc dĩ, tất cả đều vì mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện những người phụ nữ ly hương này là không ít hệ lụy buồn. Có nhiều gia đình vì cha mẹ, nhất là người mẹ đi làm ăn xa không có thời gian gần gũi chăm sóc, giáo dục con cái, khiến nhiều em chơi bời lêu lổng, bỏ học, thậm chí có em còn vướng vào các tệ nạn xã hội. Đó là chưa kể bản thân những phụ nữ tha hương gặp phải nhiều hoàn cảnh éo le. Họ không thể tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro về sức khỏe và an toàn bản thân.

 

Làm thế nào để giữ chân lao động nữ ở lại nông thôn cũng như cải thiện đời sống cho chị em? Để giải quyết vấn đề này, từ nhiều năm nay Hội LHPN các cấp, các sở, ban ngành liên quan, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Phú Yên đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo vùng nông thôn đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động như: hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương… để giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn, khắc phục tình trạng “ly hương”. Tuy nhiên, trong tiến trình CNH-HĐH chung của đất nước, cuộc sống của phụ nữ ở các vùng quê nghèo vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại trong lao động sản xuất, học nghề và tìm việc làm. Thế nên, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn càng phải được quan tâm. Thực hiện hiệu quả vấn đề này, chị em mới có cơ hội xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế trong đời sống xã hội.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek