Tai nạn đường sắt luôn là mối đe dọa đối với người dân những địa phương có hệ thống đường sắt chạy qua; đặc biệt là tại các vị trí đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt. Dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra để giải quyết sự tồn tại của hệ thống đường ngang dân sinh giao với đường sắt dày đặc trên địa bàn tỉnh nhưng các đường ngang này vẫn chưa được xóa bỏ.
Một trong những đường ngang dân sinh giao nhau với đường sắt tại phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa - Ảnh: H.NHƯ
TAI NẠN LUÔN RÌNH RẬP
Đường sắt Việt Nam có gần 3.000km đường chính tuyến thì có đến hơn 6.000 đường ngang dân sinh, trong đó có hơn 4.800 đường ngang là bất hợp pháp. Địa phận tỉnh Phú Yên với khoảng 95km đường sắt chạy qua với tổng cộng 235 đường ngang. Trong đó, có 24 đường ngang có người gác, 21 đường ngang hợp pháp (có hệ thống đèn báo hiệu tự động), còn lại là 190 đường ngang dân sinh. Địa phương đang có nhiều đường ngang nhất là huyện Đồng Xuân với 132 đường ngang. Theo thống kê của Đội quản lý đường sắt Tuy Hòa, trong năm 2011 toàn tỉnh có năm vụ tai nạn đường sắt, làm chết ba người (các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu tại các đường ngang dân sinh). Đây thật sự là nỗi đau, nỗi lo của toàn xã hội khi vẫn còn tồn tại rất nhiều đường ngang không hợp pháp. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này đều do người dân thiếu ý thức, chủ quan không quan sát khi qua đường. Tại phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, chỉ với 800m đường sắt nhưng đã có tới 18 đường ngang dân sinh tồn tại. Chị Hồ Thị Thu Sương, người dân sống tại khu vực này cho biết: “Thời gian đầu, tôi sợ không dám băng qua đường sắt nhưng lâu dần cũng quen. Khi qua đường ngang, mình chú ý quan sát là được. Mỗi khi tôi muốn đi đâu phải đi một quãng đường xa mới tới đường ngang có thanh chắn nên cũng ngại”. Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân sống ở khu vực có đường sắt chạy qua. Chính vì vậy mà phương án xóa bỏ đường ngang dân sinh của Đội quản lý đường sắt Tuy Hòa đã không thể triển khai vì nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị được giữ lại đường ngang dân sinh. Cụ thể, ngành đường sắt đang xây dựng hàng rào tôn sóng ngăn cách đường sắt với đường bộ tại Km1210+120 và Km1210+530 thì UBND xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) có đơn đề nghị giữ lại hai đường ngang này vì đây là hai đường đi chính phục vụ cho việc đi lại của người dân và cam kết đảm bảo an toàn giao thông tại hai điểm này… Ngoài ra, có địa phương tự bố trí người trực tại các đường ngang dân sinh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Sen, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Tuy Hòa, đây không phải là biện pháp tích cực bởi người dân không có chuyên môn nghiệp vụ, công tác phân công lại không rõ ràng, lúc trực lúc không nên rất dễ xảy ra sự cố.
GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ TAI NẠN
Ông Nguyễn Xuân Sen cho biết: “Trong năm 2012, ngành đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông ở cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương theo kế hoạch của Ban An toàn giao thông tỉnh. Để làm được điều này, ngành quản lý đường sắt không những tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là người dân sống hai bên hành lang đường sắt chấp hành nghiêm chỉnh quy định an toàn giao thông đường sắt. Phương án hữu hiệu nhất để giảm thiểu tai nạn vẫn là xóa bỏ toàn bộ đường ngang dân sinh băng qua đường sắt; xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách. Đối với những đường ngang dân sinh, nơi tập trung đông dân cư, địa phương nên bố trí lực lượng thanh niên xung kích để trực gác là tốt nhất”.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây, tai nạn đường sắt do yếu tố chủ quan chỉ chiếm có 3% trong khi đó hơn 90% do yếu tố khách quan mà chủ yếu do ý thức con người. Năm 2011, đường sắt có trên 500 vụ tai nạn nhưng do chủ quan ngành chỉ chiếm 16 vụ. Dù năm nào cũng tuyên truyền luật, người dân tự giác nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhưng xem ra không có hiệu quả do chế tài chưa nghiêm không đủ sức răn đe. Để giải quyết tình trạng mất an toàn ở các điểm giao cắt giữa đường sắt và các tuyến đường ngang dân sinh, giải pháp trước mắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là phối hợp với chính quyền địa phương, huy động lực lượng thanh niên xung kích hay hội phụ nữ, cựu chiến binh đứng ra cảnh giới tại các khu vực đường ngang và lực lượng này sẽ được hỗ trợ từ phía Tổng công ty. Về lâu dài, cần phá bỏ hệ thống đường ngang dân sinh bất hợp pháp để thay bằng đường gom về các đường ngang hợp pháp.
HỒ NHƯ