Phụ nữ trong thời hiện đại có nhiều cơ hội để khẳng định mình. Tuy nhiên, họ cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức…
Một bộ phận phụ nữ cảm thấy quá tải khi phải “gánh” công việc và gia đình trên vai - Ảnh: T.VĂN
Hơn 40 năm trở về trước, quan hệ vợ - chồng được thiết lập trên một cái nền quan niệm về đức hạnh của người phụ nữ: “tam tòng” (khi còn ở với cha mẹ thì phục tùng cha mẹ, khi đi lấy chồng phải phục tùng chồng và nếu chồng chết thì phải theo sự sắp đặt của con trai). Ngày nay, tuy quan niệm này không còn nhiều, nhưng thực tế có không ít phụ nữ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi người cha, người chồng có thói gia trưởng. Từ đó, những câu chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, hay mối quan hệ “chồng chúa vợ tôi” đã mang lại không ít hệ lụy buồn.
Gần 10 năm trở lại đây, hầu như không có nhiều phụ nữ chấp nhận những cuộc hôn nhân sắp đặt. Cùng với sự phát triển của xã hội, người phụ nữ không chỉ quanh quẩn trong cánh cửa gia đình nhỏ hẹp, mà đã bước ra ngoài thế giới rộng lớn. Với những thách thức, đòi hỏi đặt ra trong cuộc sống hiện đại, họ không thể cứ rụt rè, an phận, sống dựa dẫm, phụ thuộc vào chồng như trước mà đã tự tin, bản lĩnh để làm chủ số phận của chính mình. Họ có nhiều cơ hội để học tập, tìm kiếm nghề nghiệp và khẳng định vị thế bản thân.
“Thực tế cuộc sống cho thấy, trên tất cả mọi lĩnh vực, phụ nữ đều có thể tham gia. Họ có thể làm được những việc mà trước kia chỉ có nam giới “ngự trị”, thậm chí có khi những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” còn làm tốt hơn cả phái mạnh. Tuy nhiên, bản thân họ phải nỗ lực rất lớn mới có thể đảm nhận tốt công việc bên ngoài cũng như thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ”, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Tương Lai chia sẻ.
Hiện nay, những công cụ hỗ trợ đã giúp người phụ nữ giảm tải việc nhà. Tuy nhiên, họ vẫn là người đảm nhiệm chính công việc tề gia nội trợ, chăm lo đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Vì thế, hầu như họ rất ít có thời gian nghỉ ngơi. Chị Lê Thị Thư ở phường 4 (TP Tuy Hòa) nói rằng: “Sau khi lấy chồng sinh con, thói quen đọc sách, nghe nhạc, xem phim hồi thời con gái của tôi biến mất lúc nào không hay. Cả ngày làm việc ở công ty mệt nhoài, chiều tối về đến nhà lại lao vào lo cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho hai đứa nhỏ, rồi chỉ tụi nó học bài, tôi mệt muốn đứt hơi. Lúc ấy, tôi chỉ muốn ngủ, chứ còn thời gian đâu mà đọc sách, xem phim”. Chị Thư bảo, vì chồng con, gia đình, chị đành chấp nhận “hy sinh” sở thích cá nhân.
Câu chuyện này không riêng của chị Thư, mà hầu như chị em nào có chồng con, nhất là con nhỏ cũng hiếm có thời gian hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần. Việc học tập nâng cao trình độ của họ lại càng hiếm hoi. Thế nên, để có thể thành đạt ngoài xã hội, người phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi nam giới. Vì thế, mới có chuyện, người ta kêu gọi đàn ông “nhảy vào” chia sẻ việc nhà với vợ, để phụ nữ giảm bớt áp lực cuộc sống. Những điều này còn giúp cho quan hệ vợ chồng trở nên tốt đẹp hơn, bền chặt hơn. Họ sẽ kiệt sức nếu như không nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ phía người chồng. Tuy nhiên, không phải người đàn ông nào cũng sẵn lòng sẻ chia với vợ. Không phải bà vợ nào cũng học được cách cân bằng công việc và gia đình. Và thật đau lòng, họ buộc phải chọn lựa giữa sự nghiệp và hạnh phúc gia đình. Trong số những người phụ nữ giỏi giang, tài năng trong cuộc sống, không phải ai cũng may mắn tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn ngay dưới mái nhà thân yêu của mình. Vì thế “bình đẳng”, “sẻ chia” trong quan hệ vợ chồng vô cùng quý giá trong cuộc sống có quá nhiều điều thách thức đối với người phụ nữ như hiện nay.
THỦY VĂN