Thời gian qua, Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên đã phát triển đoàn viên, thành lập mới nhiều công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở các khu công nghiệp (KCN). Nhiều phong trào thi đua, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất được phát động mạnh mẽ từ khi tổ chức công đoàn đi vào hoạt động, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động tại KCN Hòa Hiệp - Ảnh: N.HÂN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT
Hiện trong ba khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, có 25/55 doanh nghiệp đang hoạt động có tổ chức công đoàn. Đây là con số đáng phấn khởi trong quá trình vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Trong năm qua, các công đoàn cơ sở mới thành lập ở Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn, Công ty TNHH sản xuất cửa Châu Á (KCN An Phú); Công ty cổ phần khoáng sản Kene Việt Nam, Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên (KCN Đông Bắc Sông Cầu)… kết nạp mới được 557 đoàn viên - đạt 111% kế hoạch, nâng tổng số đoàn viên công đoàn đến nay là 1.076 người, với 21 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên.
Ông Tô Văn Khải, Phó chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, cho biết: “Có nhiều doanh nghiệp liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn các cách thức tuyên truyền đến công nhân viên chức lao động và các thủ tục tiến tới thành lập công đoàn như Công ty TNHH Xây dựng và Quảng cáo Phương Tuấn, Doanh nghiệp tư nhân Đúc Minh Hòa (khu công nghiệp An Phú), Công ty TNHH Phú Mỹ, Minh Toàn (KCN Đông Bắc Sông Cầu), Công ty cổ phần gỗ Trường Thành (KCN Hòa Hiệp)… Trong số này, Công ty TNHH Minh Toàn đã chủ động xin được thành lập công đoàn ngay sau khi đi vào hoạt động”.
Sau hơn hai năm thành lập Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, nhất là thành lập các công đoàn cơ sở, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Mức lương bình quân của người lao động là 2,1 triệu đồng/tháng, tăng hơn 31% so với năm trước. Ban chấp hành các công đoàn cơ sở đã phối hợp tốt với lãnh đạo doanh nghiệp xem xét nâng lương, nâng định mức khoán sản phẩm, xét khen thưởng kịp thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để tạo niềm tin và sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp. Công đoàn đã đứng ra tổ chức nhiều hoạt động như tuyên truyền về bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho công nhân lao động, mở các lớp truyền thông về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản trong CNVC-LĐ tại các KCN, thi đấu bóng chuyền, cắm hoa, nấu ăn vào các ngày lễ trong năm. Ngoài ra nhiều hoạt động xã hội, từ thiện như vận động đóng góp xây nhà “Mái ấm đoàn kết”, đóng góp quỹ “Mái ấm công đoàn”, đóng góp giúp hộ nghèo, ủng hộ các trường hợp CNCV-LĐ gặp khó khăn, bệnh hiểm nghèo… cũng được các công đoàn cơ sở tham gia tích cực, tạo nên mối quan hệ gắn kết gần giữa tổ chức công đoàn với người lao động và chủ doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành, cho biết: “Công nhân của công ty hầu hết là lao động nông thôn. Do chưa quen với lao động công nghiệp, sản xuất dây chuyền nên hay xảy ra những hiểu lầm không đáng có về quyền lợi, thời gian làm việc giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Sau khi thành lập công đoàn cơ sở và chia ra làm 12 tổ công đoàn, các tổ công đoàn đã góp phần giúp doanh nghiệp làm việc có hiệu quả rõ rệt về năng suất, chất lượng sản phẩm. Công đoàn đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều sáng tạo trong lao động sản xuất”. Trong năm qua, đã có 41 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đoàn viên công đoàn được công nhận, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 500 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên cho biết: “Từ khi thành lập công đoàn cơ sở, phong trào thi đua phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất tại đơn vị được phát động rầm rộ. Hàng năm, công ty có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí sản xuất. Mỗi năm, người lao động tiết kiệm cho công ty hơn 300 triệu đồng”.
Tặng quà cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: N.HÂN
VẪN CÒN KHÓ KHĂN
Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực sự quan tâm đến việc thành lập, phát triển công đoàn cơ sở còn hạn chế. Hiện có 55 doanh nghiệp với 6.142 lao động đang hoạt động tại ba KCN trong tỉnh. Trong số này, có không ít đơn vị sau khi thành lập công đoàn cơ sở chỉ hoạt động chiếu lệ, chưa phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp thành lập công đoàn chỉ nhằm mục đích đối phó. Công đoàn Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phú Yên (KCN An Phú) là một ví dụ. Sau thời gian hơn một năm thành lập công đoàn cơ sở nhưng công đoàn công ty vẫn không thu được đoàn phí, chưa có hoạt động gì quan tâm đến quyền lợi người lao động nên người lao động không mấy tha thiết khi vào tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Phú Yên, đánh giá: Công tác vận động thành lập công đoàn cơ sở đã có những bước tiến đáng kể. Khó khăn nhất hiện nay là có không ít chủ doanh nghiệp chưa nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về vai trò của tổ chức công đoàn, do đó không mặn mà trong việc tạo điều kiện để công đoàn hoạt động theo đúng nghĩa. Thời gian tới, việc thành lập mới KCN Hòa Tâm (huyện Đông Hòa) thì số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế sẽ lớn mạnh. Để khắc phục điều này, chúng tôi vừa làm công tác vận động lãnh đạo công ty, vừa tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của công nhân lao động để phát triển đoàn viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng công tác này để đảm bảo quyền lợi chính đáng và giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.
KHÁNH VY