Theo Nghị định 5/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, thời gian cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý được rút xuống còn 7 ngày thay vì 22 ngày như hiện nay.
Cụ thể, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý, nếu tự nguyện làm cộng tác viên thì gửi hồ sơ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác.
Ảnh minh họa
Trong thời hạn 4 ngày làm việc (tại Nghị định 07/2007/NĐ-CP hiện đang áp dụng quy định là 15 ngày), kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc (theo Nghị định 07/2007/NĐ-CP là 7 ngày), kể từ ngày nhận được hồ sơ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, ký quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên.
Nghị định cũng quy định cụ thể hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm: 1- Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu; 2- Bản sao bằng cử nhân luật; bằng đại học khác hoặc bằng trung cấp luật; 3- Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan nơi người đề nghị làm cộng tác viên làm việc kèm hai ảnh mầu chân dung cỡ 2cm x 3cm.
Trường hợp người đề nghị làm cộng tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên ngoài các giấy tờ tài liệu thứ 1 và 3 trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên nêu trên cần có giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác hoặc xác nhận của UBND cấp xã về kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng của người đề nghị.
Nghị định 5/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2012.
Theo chinhphu.vn