Thứ Tư, 27/11/2024 16:36 CH
Cảnh giác với cúm A/H5N1 đã quay lại
Chủ Nhật, 05/02/2012 11:00 SA

Sau hơn 20 tháng ở Việt Nam không có bệnh nhân nào bị mắc cúm A/H5N1, nhưng vào những ngày đầu của năm 2012 đã có 2 bệnh nhân bị mắc cúm A/H5N1 và cả hai đều tử vong (1 ở tỉnh Kiên Giang và 1 ở tỉnh Sóc Trăng). Đây là dấu hiệu cảnh báo cho tất cả mọi người không được chủ quan trước căn bệnh hết sức nguy hiểm này. Cúm A/H5N1 là bệnh cúm do nhiễm virus lây từ gia cầm sang người, với bệnh cảnh lâm sàng rất nặng và tỉ lệ tử vong cao. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kể từ năm 2003 đến nay trên thế giới đã có 577 người mắc, trong đó 340 người tử vong (tỉ lệ tử vong chiếm 58,93%). Riêng ở Việt Nam từ năm 2003 đến 31/12/2011 có 119 người mắc và 59 người tử vong (tỉ lệ gần 50%), đây là tỉ lệ tử vong khá cao.

vit120205.jpg
Chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ là nguồn dễ gây bệnh cúm A/H5N1 - Ảnh: N.TRƯỜNG

Theo đánh giá của các nhà khoa học cho đến nay virus cúm A/H5N1 vẫn chưa có biến đổi về di truyền và người mắc bệnh là do lây từ gia cầm bị bệnh sang người do tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt gia cầm mắc bệnh. Đánh giá này rất có ý nghĩa về mặt dịch tể học cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả để bảo vệ con người.

Cúm A/H5N1 là bệnh hết sức nguy hiểm vì virus có độc lực rất cao, nếu người mắc bệnh thì bệnh diễn biến rất nhanh gây suy đa phủ tạng, suy hô hấp, suy gan, thận... và bệnh nhân có thể tử vong nếu điều trị không có hiệu quả. Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1 cho người.

Xét về phương diện dịch tể học, một bệnh lây lan thành dịch phải hội đủ ba yếu tố cơ bản sau đây: nguyên nhân gây bệnh, véc tơ truyền bệnh (đường truyền) và khối cảm nhiễm. Đối với cúm A/H5N1 nguyên nhân gây bệnh là virus cúm A/H5N1, virus này có trong loại gia cầm mang mầm bệnh bao gồm cả gia cầm mắc bệnh và trong gia cầm lành mang virus (gà, vịt, các loại chim hoang dã), đường lây là do người tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn thịt gia cầm mắc bệnh, khối cảm nhiễm là những người tiếp xúc. Dựa trên các yếu tố dịch tể này, để phòng chống dịch bệnh phải triển khai đồng loạt các biện pháp như: diệt nguyên nhân gây bệnh (nguồn truyền bệnh), cắt đứt đường truyền và bảo vệ khối cảm nhiễm.

Ở Phú Yên tuy chưa có trường hợp nào bị mắc bệnh cúm A/H5N1, nhưng với tình hình diễn biến thời tiết, sự thay đổi khí hậu thất thường, đặc biệt tình trạng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nhỏ lẻ của người dân trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đã tái bùng phát ở một số địa phương trong cả nước như hiện nay thì nguy cơ dịch gia cầm bùng phát và từ đó lây cho người là không nhỏ. Các biện pháp phòng chống dịch ở gia cầm và thủy cầm của cơ quan chức năng chúng tôi không đề cập ở đây, trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến các biện pháp phòng ngừa lây bệnh từ gia cầm sang người.

Cụ thể để phòng chống cúm A/H5N1 hiệu quả mọi người cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo sau đây: Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết, mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời; Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến cúm gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek