Thứ Sáu, 29/11/2024 06:42 SA
Nâng cao trách nhiệm người phát ngôn với báo chí
Thứ Sáu, 30/12/2011 11:00 SA

Trong chuyến công tác tại Phú Yên, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) Lê Văn Nghiêm đã dành cho Báo Phú Yên cuộc trao đổi về hiệu quả các kênh thông tin đối ngoại (TTĐN) và những hạn chế trong công tác người phát ngôn ở địa phương.

 

le-van-nghiem111230.jpg

Đồng chí Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT-TT) - Ảnh: H.BÌNH

* Ông có thể cho biết tầm quan trọng của TTĐN, cũng như hiệu quả của các kênh TTĐN ở địa phương?

 

- TTĐN là những hoạt động chủ động cung cấp thông tin có định hướng để giới thiệu, phổ biến, quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vì mục tiêu phát triển và hội nhập, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến công tác TTĐN, coi đó là vấn đề quan trọng nhằm quảng bá những giá trị tốt đẹp, những lợi thế vốn có, đồng thời quảng bá, nâng cao vị thế vai trò của quốc gia trên trường quốc tế. Để làm được điều này cần phải có một lực lượng và phương thức thực hiện đa dạng, phù hợp với nội dung dựa trên đặc điểm của đối tượng, nội dung và mục tiêu của tuyên truyền.

 

Theo tôi, trong số các kênh TTĐN ở địa phương, Cổng thông tin điện tử của tỉnh là rất quan trọng, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Điều này thể hiện ở chỗ, nhân sự, kinh phí bố trí cho công tác này ít, nội dung cổng thông tin cập nhật chưa thường xuyên, lạc hậu; các cổng thông tin điện tử chưa có kế hoạch thông tin truyền thông mang tính quảng bá, đối ngoại và đối nội. Hiện nay kênh này có cảm giác có sinh mà chưa có dưỡng.

 

* Vai trò của công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí hiện nay?

 

- Công tác phát ngôn và thông tin cho báo chí là rất quan trọng. Nó xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Một xã hội phát triển thì nhu cầu thông tin càng lớn, càng công khai, minh bạch. Đây là nguồn thông tin chính thống, báo chí có trách nhiệm làm cầu nối chuyển tải những thông tin chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nếu không có sự hợp tác của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí sẽ rất dễ dẫn đến hậu quả xấu, đó là người dân thiếu thông tin, xã hội bị nhiễu thông tin. Vì khi đó, báo chí sẽ phải tìm các nguồn thông tin khác để cung cấp cho người dân và như vậy dễ gây hiểu nhầm, hiểu sai thực tế.

 

* Từ khi có quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Thủ tướng Chính phủ, người phát ngôn cho báo chí được quy định rõ ràng, thông tin chính thống hơn. Tuy nhiên, điều này cũng gây không ít khó khăn cho báo chí, Cục trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/5/2007. Qua thực tế thực hiện quy chế này, chúng tôi cũng thấy có nhiều bất cập. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí chưa đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, càng không đáp ứng nhu cầu của báo chí và nhu cầu để giúp Nhà nước trong công tác hoạch định thông tin.

 

Anh-Luat-phong-van111230.jpg

Lãnh đạo một doanh nghiệp trả lời phỏng vấn báo chí - Ảnh: M.NGUYỆT

Theo tôi có mấy nguyên nhân chính sau: Thứ nhất, là thiếu những điều kiện hỗ trợ đi kèm cho người làm công tác phát ngôn. Công tác phát ngôn là một công việc rất đặc thù và mới mẻ đối với Việt Nam, đòi hỏi người phát ngôn phải có kiến thức, kỹ năng và các phương pháp. Người phát ngôn thường được giao cụ thể là thủ trưởng, phó thủ trưởng hoặc chánh văn phòng cơ quan. Thế nhưng những điều kiện cần thiết hỗ trợ cho người phát ngôn lại không được đi kèm. Thứ hai, người phát ngôn thì bận trăm công nghìn việc nhưng họ lại không có một cán bộ chuyên trách để làm công tác giúp việc. Do đó, khi báo chí cần người phát ngôn thì tìm không dễ hoặc có nhưng phát ngôn không đáp ứng yêu cầu. Thứ ba là các cơ quan chưa xây dựng được quy trình thu thập thông tin nội bộ để đảm bảo thông tin một cách đầy đủ và cụ thể nhất. Thứ tư, các cơ quan nhà nước chưa xây dựng mối quan hệ thường xuyên, thân thiện với báo chí và chưa có kế hoạch truyền thông cụ thể.

 

Thủ tướng đang yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông tổng kết đánh giá về công tác này để có sự điều chỉnh phù hợp.

 

* Làm thế nào để khắc phục những hạn chế trên để tạo môi trường thông tin minh bạch, rõ ràng cho dư luận và báo chí, thưa Cục trưởng?

 

- Đương nhiên là cần phải khắc phục những hạn chế, tồn tại đã nhận ra trong công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí. Tức là phải có nhân sự chuyên trách để giúp cho người phát ngôn; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người phát ngôn. Tiếp theo là phải có chế tài đối với người phát ngôn. Hiện nay, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan phối hợp soạn thảo Luật Tiếp cận thông tin. Đây sẽ là cơ sở, hành lang pháp lý, chế tài cụ thể đối với người phát ngôn.

 

* Xin cảm ơn Cục trưởng!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek