Đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, phát triển các mô hình kinh tế gia đình, các làng nghề truyền thống… góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ. Những hướng đi này đã và đang góp phần giúp phụ nữ Phú Yên có thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo.
Từ nghề đan đát truyền thống, phụ nữ Vĩnh Phú (Hòa An, Phú Hòa) cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống - Ảnh: N.QUỲNH
Bây giờ hầu hết những phụ nữ trẻ người Ê Đê ở các buôn Kiến Thiết, Độc Lập A, Độc Lập B (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) đều biết dệt thổ cẩm. Mí Tý, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Chà Rang nói rằng, từ ngày Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH huyện mở lớp dạy nghề thổ cẩm, 50% phụ nữ trong các buôn không chỉ biết dệt chiếc quai đeo túi, tấm đắp mà còn dệt thành thạo những chiếc áo, chiếc ên, khăn trải bàn… Mí Diêm ở buôn Kiến Thiết hồ hởi: “Trước đây, mình không biết gì về nghề truyền thống của người Ê Đê, may mà nhờ Đảng, địa phương quan tâm, nhờ có Mí Tý chỉ cách dệt thổ cẩm. Nhờ nghề truyền thống này mà mình cũng như nhiều phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập”. Hiện nay, để dệt một bộ váy áo cần khoảng 150.000 đồng mua chỉ và thời gian dệt khoảng hai tháng, nếu bán thì khoảng 1,5-2 triệu đồng. Với phụ nữ dân tộc thiểu số, số tiền này Cùng chung niềm vui làng nghề truyền thống của cha ông được “tiếp sức”, chị Đào Thị Liêm, một phụ nữ nghèo ở thôn Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) thổ lộ: “Trước đây, tôi cũng như nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn không có vốn phải đi bó chổi đót thuê. Mấy năm nay, nhờ có dự án phát triển làng nghề truyền thống của Hội LHPN tỉnh mà chúng tôi được vay vốn mua đót về làm tại nhà. Nhờ vậy, hàng ngày có đồng ra đồng vô, kinh tế gia đình đỡ chật vật, ổn định hơn trước”.
Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh, từ năm 2008 đến nay, với gần 7,5 tỉ đồng đã tạo điều kiện cho gần 600 hộ vay vốn phát triển làng nghề, đồng thời giúp cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở các địa phương có công ăn việc làm. Nhiều dự án khôi phục làng nghề truyền thống đã và đang được các cấp Hội LHPN triển khai như các làng nghề: Trồng dâu nuôi tằm xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa); chế biến nước mắm ở xã An Chấn (huyện Tuy An); trồng rau, hoa tại phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa); tráng bánh ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa); dệt chiếu cói xã An Cư, đan lưới và tráng bánh xã An Ninh Tây (huyện Tuy An); làm muối xã Xuân Bình, chế biến nước mắm xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu); bó chổi đót ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa); sản xuất bún tươi ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa); trồng hoa cây cảnh tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa); đan đát ở thôn Vĩnh Phú (xã Hòa An, huyện Phú Hòa); ép mắm ở xã An Hòa, chế biến nước mắm ở thôn Tiên Châu, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An).
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Kim Chi cho biết: Hội LHPN các cấp đã tập trung phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở nông thôn như: cắt may dân dụng, may công nghiệp, may giày da; các nghề truyền thống như thêu ren, dệt thổ cẩm, sản xuất mây tre đan, trồng hoa, rau… Từ năm 2006-2011, có hơn 3.000 lao động nữ được đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em ổn định cuộc sống. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ (nhất là phụ nữ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ) xóa đói giảm nghèo bền vững được các cấp Hội thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực. Nhiều mô hình sáng tạo giúp phụ nữ nghèo được xây dựng và phát triển tại cộng đồng như: Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp nhau trồng rau sạch để phát triển kinh tế”, nhóm phụ nữ tiết kiệm… đã tạo điều kiện cho hơn 23.500 phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo. Các phong trào này đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái trong các tầng lớp phụ nữ ở Phú Yên.
Hội còn tích cực khai thác hơn 749 tỉ đồng từ các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ hơn 54.000 phụ nữ phát triển kinh tế. Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, Hội luôn chú trọng đến công tác hướng dẫn, phổ biến kiến thức quản lý, sử dụng vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Năm năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 448 lớp tập huấn về chuyển dịch cây trồng vật nuôi, hướng dẫn hộ nghèo làm ăn, quản lý vốn... cho trên 24.800 chị. Thông qua đó, đã có gần 2.320 hộ thoát nghèo, đạt 119% kế hoạch.
Thực tế cho thấy, cùng với những chính sách hỗ trợ thiết thực khác, các hoạt động khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với địa phương… của Hội LHPN các cấp là những giải pháp khả thi tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nữ ở các địa phương, góp phần giải quyết việc làm hàng năm cho hơn 25.200 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm.
NGỌC QUỲNH