Thế là Y Nộ - cây đại thụ của đồng bào Sông Hinh đã về với núi rừng. Tết và mùa xuân đang đến nhưng ông không còn nữa. Già làng Y Nộ qua đời tại nhà riêng ở thôn 2B, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh lúc 20g ngày 5/12/2011(nhằm ngày 11 tháng 11 năm Tân Mão) hưởng thọ 83 tuổi.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc thăm hỏi, tặng quà cho Già làng Y Nộ khi về làm việc tại xã Sông Hinh tháng 12/2007 - Ảnh: N.TRƯỜNG
Năm 17 tuổi (năm 1945), chàng trai Ma Quy (tên thường gọi là Y Nộ) bắt đầu hoạt động cách mạng. Đơn vị đầu tiên mà ông tham gia là Đội Thanh niên cứu quốc xã Sơn Thành với nhiệm vụ dẫn bộ đội tiến lên Tây Nguyên. Năm 1947, ông tham gia Đội Phản giác (gọi là Công an bí mật bây giờ); năm 1949 làm xã đội trưởng xã Hòn Nhọn, huyện Tuy Hòa; năm 1952 làm Huyện đội phó huyện Ma Đ’răk (tỉnh Đăk Lăk). Năm 1954, ông vinh dự tham gia Đại hội chiến sĩ thi đua toàn khu V. Tháng 5/1955, ông bị địch bắt tù đày tại Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) 18 tháng, sau đó bị chúng quản thúc tại xã Sơn Thành, nhưng ông vẫn bí mật tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1963, ông được bí mật điều động vào làm mũi trưởng mũi công tác Sơn Thành rồi làm Trưởng công an khu nam Miền Tây Phú Yên; 1970 giữ chức Phó bí thư Huyện ủy Ma Đ’rắc; năm 1975 bầu làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Tây Sơn, Phú Yên; 1982 về hưu. Năm 1985, căn cứ tình hình thực tế địa phương và kinh nghiệm của bản thân, ông được cử làm biệt phái Bí thư xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh; 1987 làm chủ tịch Mặt trận xã này.
Mặc dầu tuổi cao, sức yếu, nhưng bằng những ý kiến đóng góp thấu tình, đạt lý và uy tín của mình, ông đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng buôn làng. Cùng với việc tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong bà con nhân dân, ông thường xuyên gần gũi giải thích cho bà con hiểu về vấn đề tín ngưỡng tôn giáo, lợi ích của việc sinh con ít, tuyên truyền vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo đoàn kết gắn bó, chăm lo làm ăn nên đời sống bà con buôn làng ngày càng tiến bộ. Chi bộ thôn 2B nơi ông sinh hoạt luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Đây cũng là thôn duy nhất của huyện Sông Hinh 5 năm liền không có gia đình sinh con thứ 3.
Già làng Y Nộ luôn được bà con buôn làng thương yêu quý mến, là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ trẻ noi theo. Ông Trần Ngọc Thuân, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho biết: “Tiếng nói của chú Tám Nộ rất có uy tín, chú là cầu nối giữa đồng bào với chính quyền địa phương trong việc bàn bạc trao đổi các vấn đề bức xúc, qua đó giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt rõ hơn tâm tư nguyện vọng của người dân và có giải pháp triển khai thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chú là người giản dị, trung thực, luôn góp ý rất chân tình cho đội ngũ cán bộ trẻ và tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ trẻ phát triển”.
Trong cuộc đời tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Độc lập hạng 3, Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
83 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, già làng Y Nộ nằm xuống để lại sự thương tiếc khôn nguôi của cán bộ và đồng bào huyện Sông Hinh. Từ biệt cây Kơ nia đầu thôn về với cõi vĩnh hằng, ông hóa thân vào cây rừng, vào đất nơi đã từng là hơi thở, là cuộc sống, là tình yêu cháy bỏng của ông với Sông Hinh.
NGỌC CƯỜNG