Nhiều bác sĩ, nhân viên ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên không chỉ tất bật với việc điều trị bệnh mà còn chăm lo cho những trường hợp có hoàn cảnh thương tâm, bất hạnh. Đã có hàng trăm người từng được giúp đỡ trong cơn bỉ cực...
TỪ CƯU MANG NGƯỜI SỐNG...…
Lãnh đạo bệnh viện và các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật
Một phụ nữ dân tộc thiểu số chừng 20 tuổi, không nói được tiếng Kinh, không ai rõ họ tên, quê quán, được Bệnh viện TP Tuy Hoà chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên với căn bệnh mất 1/3 dưới chân đùi phải do tai nạn giao thông. Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cắt chân và tiếp tục chăm sóc điều trị vết loét ở lưng cho bệnh nhân, đến khi khỏi bệnh. Tuy nhiên sau khi phục hồi, bệnh nhân không chịu xuất viện mà vẫn ở lại và hàng ngày lang thang trong bệnh viện. Gần một tháng sau, bệnh nhân được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Hơn hai tháng qua, chị hộ lý Nguyễn Trần Thị Mẻ và ba chị em khác ở khoa nội B Bệnh viện Đa khoa Phú Yên luôn làm việc quá sức của mình. Bởi ngoài thời gian phục vụ cho bệnh nhân ở khoa luôn trong tình trạng quá tải, các chị còn phải chăm sóc cho những người không có thân nhân nuôi dưỡng. Chị Mẻ cho biết: “Mỗi ngày, từ bữa ăn đến tắm rửa cho những người này chúng tôi đều lo kể cả khi bệnh nhân đó đã có thông báo xuất viện. Chúng tôi còn mua cả nạng gỗ để giúp bệnh nhân chống thay chân. Có người không tự vệ sinh được nên không bệnh nhân nào chịu ở chung, họ đòi chuyển sang phòng khác. Phòng dành cho bệnh nhân tâm thần có 5 giường nhưng chỉ có một người nằm, dẫn đến các phòng khác quá tải. Ngoài ra, theo thông tư mới, hộ lý không trực đêm nên càng vất vả hơn cho điều dưỡng”.
Ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cho biết: “Mỗi khi có bệnh nhân lang thang hay bị bỏ rơi, bệnh viện đều báo cho Sở Lao động Thương binh xã hội. Nhưng họ bảo phải thẩm tra địa phương và làm thông báo, thế là đành để lại cưu mang. Với các trường hợp này, bệnh viện miễn tiền thuốc lại chăm sóc, nuôi dưỡng. Trước đây, nhiều cháu bé bị bỏ rơi lại khoa Nhi. Trong đó, cháu Trần K.S là trường hợp bị nhiễm HIV do mẹ bỏ đi. Các hộ lý, điều dưỡng ở đây không ngại khó, chăm sóc cháu S. tận tình.
... ĐẾN CHĂM LO CHO NGƯỜI XẤU SỐ
Dùng phí chi của bệnh viện để mua đất, rương, vải và thuê nhân công đào huyệt, thuê người đưa đi mai táng những người xấu số không có thân nhân hoặc quá nghèo là chuyện làm thường xuyên ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ông Phạm Xuân Hiếu, nhân viên khoa giải phẫu bệnh cho biết, chỉ tính từ ngày ông theo dõi đã có gần 400 trường hợp chết mà bệnh viện lo chôn cất tử tế. Có tháng ông Hiếu tự tay khâm liệm và phụ chôn đến 10 người. Mưa gió bão lụt ông và các anh Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Lai cũng phải làm, kể cả những xác chết để lâu ngày. Ông kể: “Mới đây có một phụ nữ ở thôn Cẩm Tú (Hòa Kiến –TP Tuy Hòa) chết vì bệnh AIDS, mẹ chị ta bỏ xác lại cho bệnh viện tự lo và bảo có chuyện gia đình phải đi. Chúng tôi cũng không ngần ngại mai táng”.
THU THỦY