Thứ Sáu, 04/10/2024 10:29 SA
“Như chó với mèo”
Thứ Bảy, 08/10/2011 13:00 CH

Tự nghìn đời, cả chó cả mèo đã luôn là hai con thú cưng gần gũi, đồng cam cộng khổ, buồn vui chia sẻ với con người. Ích lợi ư? Đương nhiên khỏi bàn, bởi chó mèo giúp người nhiều lắm. Nhưng đây không nói đến chuyện lợi hại, ta chỉ xét xem cái khía cạnh gần gũi tương lân giữa chó và mèo. Đúng, rất gần. Sống chung một nhà. Cùng “công tác” và “ăn lương” một chỗ. Việc ai nấy làm không sợ “đụng hàng” bởi mèo thuộc lực lượng nội an (tức an ninh vòng trong) còn chó ta lo công tác ngoại an (an ninh vòng ngoài). Ấy là diễn tả cho văn vẻ cái trách nhiệm phòng kẻ gian của chó và bắt - đuổi chuột của mèo. Cực nhọc thì chắc cũng ngang ngang bởi chúng chủ yếu làm việc về đêm. Chế độ đãi ngộ (từ phía chủ nhân) cũng chẳng khác nhau là mấy. Tuy nhiên, cơ may no đủ của mèo là lớn hơn, bởi những tên gian phi mõm nhọn bốn chân là thứ chiến lợi phẩm ngon lành mà mèo ta có quyền xơi tái, trong khi chó ta (dù có cho kẹo) cũng không dám tùy tiện chén thịt đám trộm đạo… hai chân! Ấy vậy nhưng, chó cũng chẳng so bì chi cái khoản thua thiệt kia bởi công bình mà nói, chủ nhân nuôi chó tốn kém hơn nhiều so với nuôi mèo! Mặc dù sức vóc chênh lệch khá lớn, nhưng tuổi thọ của chó và mèo lại cũng ngang ngang nhau, tức thị chúng có thể nắm tay (hoặc chân) nhau mà cùng đi hết cuộc đời khoảng độ chừng 15 hay 20 năm…

 

Giống nhau, gần gũi nhau đến thế, đáng ra chó và mèo phải cực kỳ thân nhau mới phải. Nhưng sao dân gian lại có câu thành ngữ “Như chó với mèo” để diễn tả mối quan hệ không lấy gì làm… ấm áp của đôi bên?

 

Thực ra, cách hiểu câu thành ngữ này theo thói quen (xem quan hệ chó - mèo là mối quan hệ đối đầu, nước - lửa, không thể dung hòa) là một cách “hiểu lệch”, tức thị nó không còn chính xác hoàn toàn. Sai hẳn thì không phải, nhưng thật ra, nó chỉ còn đúng một nửa. Một nửa đúng ấy tức là hiện tượng hay có những pha “cãi vã” nho nhỏ giữa chó và mèo. Thường nhất là vào bữa ăn hoặc khi chơi đùa. Ăn uống thì - đương nhiên - chó với chó cũng còn “kình” nhau nói chi đến mèo! Còn chơi? Khổ nỗi, hai ông bạn đồng lưu này vốn đồng nhau nhiều chuyện, nhưng sức vóc và tính khí lại không đồng mấy. Chó to, khỏe còn mèo nhỏ, yếu. Chó “phổi bò”, lỗ mãng còn mèo lại khéo léo, ranh ma. Vào đầu cuộc chơi, chó thường có khuynh hướng lấn lướt bởi thể lực vượt trội. Mang cái thân vai u thịt bắp, chó cứ huỳnh huỵch toan thi thố… võ sumo cùng mèo. Bị chó vật ngã kéo lê năm bảy lượt là mèo ta phát cáu, bắt đầu “giở ngón”. “Ngón” của mèo là giơ tay, vươn vuốt mà cào, mà tát. Khẩn cấp hơn thì có thể dùng luôn đến hàm răng sắc như dao mà ngoạm. “Võ công” họ nhà mèo không tốn nhiều sức như chó, nhưng toàn “võ hiểm” khiến chó đau điếng! No mất ngon giận mất khôn, cuộc chơi giờ đang có nguy cơ biến thành cuộc xô xát! Nhưng, ơn trời, đã bảo mèo ta ranh ma lắm. Thấy chó “nổi cục” là mèo nhanh chân vọt thẳng. Ngón “võ tẩu” của mèo lại càng điệu nghệ: hoặc chui qua rào (những nơi chó không chui lọt), hoặc… tót thẳng lên cây, lên mái nhà, mái bếp mà dòm xuống, lêu lêu…

 

Ấy vậy nhưng, cái quan trọng là hết hồi giận lại chơi chung (giống hệt trẻ con!), mà lại chơi thân nhau lắm, đặc biệt nếu chó và mèo sống chung một mái nhà từ nhỏ! Ấy là kinh nghiệm mà tất cả những người có nuôi cả chó lẫn mèo đều biết. Mối quan hệ chó mèo trong cùng một nhà có thể nói là một mối quan hệ hoàn toàn tốt đẹp về bản chất. Chuyện chúng thi thoảng “kình” nhau chỉ là hiện tượng (mặc dù nó hay xảy ra), và cái hiện tượng bên ngoài này không bao giờ đủ khả năng làm hỏng bản chất tốt đẹp bên trong. Vả lại, “kình” gì “kình”, các đương sự chó mèo luôn luôn biết tự kiềm chế, không bao giờ hành xử “quá tay” đến mức gây… thương tích nặng cho “chiến hữu” của mình! Chưa kể, nếu ông bạn mèo nhà mà bị chó hay mèo hàng xóm bắt nạt thì chú Kiki nhà đứng về phía nào, khỏi nói ra ta cũng thừa sức đoán…

 

Đến đây, ta đã có thể mạnh dạn khẳng định về nghĩa nguyên của câu thành ngữ “Như chó với mèo”. Rõ ràng, bản ý của câu thành ngữ này chỉ muốn diễn tả một mối quan hệ tốt, nhưng hay “cãi vặt” - chứ không phải kiểu quan hệ không thể dung hòa như ta lầm tưởng! Đương nhiên, ở đây ta chỉ tính chuyện chó - mèo cùng sống một nhà, không tính đến chó - mèo lạ, chó - mèo hoang, chó - mèo rừng… Nhưng, đụng đến kiểu quan hệ sát phạt mạnh được yếu thua, bị chi phối bởi luật đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên, thì còn có biết bao nhiêu giống loài đem “luật rừng” mà xử với nhau, đâu riêng gì chó với mèo?

 

Y Nguyên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek