Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, hồi 7 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ vĩ Bắc; 111,3 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 400km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (từ 75-88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.
Sơ đồ đường đi và vị trí cơn bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 7 giờ ngày 5/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ vĩ Bắc; 108,6 độ kinh Đông, cách bờ biển Nghệ An - Quảng Bình khoảng 230 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 6/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8 độ vĩ Bắc; 106,2 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc mạnh, nên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến đến Thừa Thiên Huế có mưa; riêng khu vực Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
* Ngày 3/10, trong khi khảo sát tình hình ngập lũ và kiểm tra công tác phòng chống lũ tại An Giang, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định bão số 6 sẽ ảnh hưởng gây mưa lớn ở miền Trung, ở Lào và có khả năng tiếp tục gây ra thêm đợt lũ mới ảnh hưởng đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh An Giang cần tập trung chủ động đối phó với khả năng xảy ra thêm đợt lũ này. Các địa phương phải tiếp tục bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, đồng thời huy động mọi nguồn lực sẵn sàng bảo vệ các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện An Giang đã xảy ra hàng chục vụ vỡ đê làm thiệt hại 4.000 ha lúa thu đông và 60.000 ha lúa đang bị nước lũ đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay các lực lượng tại chỗ, lực lượng quân đội vẫn tiếp tục gia cố các tuyến đê xung yếu. Có hai đoạn đê vỡ vừa được hàn lại và diện tích lúa bị ngập đang được bơm rút nước để hạn chế phần nào thiệt hại cho người dân.
Trước diễn biến của bão số 6, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, các hồ chứa nói chung vẫn đang ở mức nước thấp, nếu bão vào và gây mưa ở miền Bắc miền Trung, các hồ chứa khu vực có thể đáp ứng được việc điều tiết lũ.
BTV (Theo nchmf.gov.vn, chinhphu.vn, TTO)