Tám người cùng góp sức chặt, xẻ cây, đóng trụ... để thi công cây cầu treo dài 30m, rộng 1,5m bắc qua suối Sầm trong vòng 10 ngày, giúp dân đi lại thuận tiện trong mùa mưa lũ. Cây cầu hoàn thành ngày hôm trước thì hôm sau nước lớn, tối đó có người ở thôn Kỳ Lộ đi cấp cứu nếu không nhờ cây cầu thì hậu quả khó lường.
NỖI KHỔ TỪ CON SUỐI DỮ
Ông Huỳnh Niệm, 80 tuổi, là người cao tuổi nhất ở thôn Suối Cối 2 (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), chỉ tay vào con suối Sầm nước đang chảy tạo vòng xoáy cuộn tròn, nói: “Xưa nay vào mùa mưa, nước con suối Sầm này “hỗn” lắm! Một trận mưa to trút xuống chưa đầy tiếng đồng hồ là nước ngập đến thắt lưng người lớn. Người dân ở đây ai cũng nói như vậy. Ở đây là rừng đầu nguồn, cả một cánh rừng xanh bạt ngàn, nước từ nhiều ngóc ngách đều đổ về con suối này. Nước chảy rất xiết, chỉ cần lội nước trên đầu gối một chút là nước đẩy hổng chân.
Cầu treo Suối Sầm – Ảnh: H.NAM
Từ Trung tâm huyện Đồng Xuân đi Xuân Quang 1 rồi vượt lên xã vùng cao Phú Mỡ đều phải qua con suối Sầm này. Con suối án ngữ đầu thôn Suối Cối 2. Từ năm 2005 trở về trước, bao thế hệ học sinh từ xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ đi học lên xuống qua cây cầu này. Mùa lũ đi lỡ đường đến suối Sầm gặp mưa to… đứng ngó rồi ôm cặp về. Em nào học dưới trung tâm huyện về thì tìm nhà người quen ở thôn Suối 1 ngủ nhờ qua đêm. Còn người đi đường hoặc người đi công tác ở xã vùng sâu vùng xa thì chấp nhận cảnh “nằm đường”. Ông Trần Thanh Long – Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỡ lên xuống suối Sầm này hơn 10 năm cho biết: “Tôi mắc kẹt con suối này không biết bao nhiêu lần”. Ông Long kể rằng có lần chiều thứ 7 từ Phú Mỡ vượt qua hơn 40 cây số đường đèo dốc đi nửa đường trời mưa, mình mẩy ướt như con chuột lột xuống đến suối Sầm thì nước lớn phải chui vô nhà dân mượn quần áo mặc đỡ ngủ qua đêm.
Còn mấy người đi buôn bán lên vùng cao theo kiểu chợ di động thì mùa mưa dưới này chở mắm cá lên gặp nước suối lớn ngồi chờ nước rút thì cá tươi thành cá ươn… đem đổ. Mỗi lần đến đây gặp nước suối lớn không biết bao nhiêu người trễ nãi công việc, than vắn thở dài… Nhất là cán bộ xã đi họp, chuyện trễ thời gian hoặc nghỉ đi họp là không tránh khỏi.
8 NGƯỜI ĐÀN ÔNG XÂY CẦU VÀ Ý TƯỞNG CÂY CẦU
Mùa mưa năm nào suối Sầm cũng gây ách tắc giao thông qua lại. Tám người trong thôn: anh Lê Văn Uùt (sinh năm 1977), Đỗ Kim Hùng (sinh năm 1969), Trần Văn Tý (sinh năm 1960), Nguyễn Thân Thảo Phương (SN 1983), Nguyễn Ngọc Thành (SN 1978), Võ Ngọc Anh (SN 1966), Lê Tuấn (SN 1973), Nguyễn Hùng (SN 1974) ở thôn Suối Cối 2, trong một lần ăn giỗ đưa ra ý kiến xây cây cầu cho các em học sinh đi học. Cả 8 anh em đồng ý “Sáng ra bắt tay làm, người đi chặt cây về cưa ván, người đi trồng trụ, làm một cái cầu treo dài 30m, rộng 1,5m tại suối Sầm, thôn Suối Cối I, phục vụ cho học sinh xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ qua lại trong mùa mưa lũ. Tám người cùng góp sức thi công cây cầu trong vòng 10 ngày, hoàn thành vào ngày 16/9 vừa qua. Cây cầu hoàn thành ngay hôm trước, thì hôm sau nước lớn, tối đó có người ở thôn Kỳ Lộ đi cấp cứu nếu không nhờ cây cầu thì hậu quả khó lường. Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng thôn Suối Cối 2, cho biết, năm trước có người trên suối Trưởng đau ruột thừa lúc nửa đêm Trạm xá xã chuyển đi bệnh viện La Hai mổ, xuống suối Sầm gặp nước lớn ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, người đau ruột thừa ôm bụng la đu quằn quại, vợ con ngồi xung quanh chảy nước mắt theo. Nếu như sông thì có đò, còn đây là nước suối nước chảy xiết đá lòng suối lởm chởm không có phương tiện nào để mà qua được.
Ông Nguyễn Trọng Cảnh – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 1, nói: “Mùa mưa năm ngoái mỗi lần đi họp dưới huyện tôi khổ nhất là con suối này. Năm nay có cây cầu… hay quá. Ý tưởng 8 anh em rất hay, đáng khen ngợi”. Nếu không nhờ công sức 8 anh em này bỏ ra làm cầu thì rất nhiều người khổ sở khi đi lại. “Nhờ lòng tốt của mấy anh em mà hơn 200 em học sinh ở xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ đi học lên xuống thuận lợi không phải nghỉ học. Chờ Nhà nước xây cầu thì biết chừng nào”, anh Nguyễn Văn Thanh, giáo viên trường tiểu học Xuân Quang 1 nói vậy. 8 người góp sức làm cây cầu, cây cầu tính ra đơn giản chỉ tốn 2 đường dây cáp nhưng đây là niềm vui biết bao người.
MẠNH HOÀI