Một trong những nét mới trong đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đối với phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác xóa đói giảm nghèo là mục tiêu luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó phát huy vai trò của những già làng luôn được các chi hội phụ nữ quan tâm.
Các Tun đi tuyên truyền vận động tại xã Ea Lâm - Ảnh: Đ.DỰ
Ở tuổi ngoài 80 nhưng các Tun (già làng) ở xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh) luôn gắn sát với những công việc của Hội phụ nữ xã. Từ việc vận động phụ nữ không làm việc trái pháp luật, hướng các hội viên khắc phục khó khăn, vay vốn để phát triển kinh tế cho đến việc chăm lo sức khỏe cho bản thân, cho con cái, các Tun đều có những cách nói chuyện khác nhau và thuyết phục được nhiều hội viên nghe theo. Tun Chuối ở buôn Bưng B là một trong những hội viên nòng cốt tiêu biểu của xã Ea Lâm. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Tun Chuối thường xuyên đi vận động hội viên phụ nữ thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chương trình hoạt động nòng cốt của hội và nhiều vấn đề liên quan khác. Tun Chuối tâm sự: “Giờ mình già rồi, giúp gì được cho con cháu việc gì thì mình sẵn sàng giúp. Con trẻ không hiểu được thì mình phải giải thích thường xuyên cho nó hiểu. Phải làm sao để mỗi gia đình đều phải cho con đi học, gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế và thực hiện tốt chính sách của Nhà nước”.
Kinh nghiệm và vai trò của các Tun trong gia đình là yếu tố quyết định đến kết quả hoạt động của hội phụ nữ trong thời gian qua. Chị Mai Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Lâm, nói: “Ở Ea Lâm, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, trình độ nhận thức còn có mặt hạn chế. Để hội viên cũng như quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chúng tôi thành lập nhóm hội viên nòng cốt, là những già làng lớn tuổi. Các hội viên này dựa vào uy tín của mình để vận động người thân trong gia đình, họ tộc và bà con hàng xóm chấp hành tốt pháp luật cũng như phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả rất tích cực”.
Từ những tâm tư, nguyện vọng trong hội viên được các Tun nắm bắt và báo lại, Hội LHPN xã Ea Lâm đã kịp thời có những giải pháp giúp chị em trong xã ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua kênh phụ nữ, gia đình Ma Goách giờ đã có lúa dự trữ trong kho. Họ cũng đã sắm được công cụ sản xuất để thay đổi cách thức sản xuất lâu nay. Ma Goách cho hay: “Lúc trước làm lúa rẫy, gia đình tôi không đủ ăn. Thấy các xã khác làm lúa nước có nhiều hạt lúa, hạt gạo, tôi xin vay vốn từ Hội Phụ nữ và làm theo. Nhờ nguồn vốn vay và mô hình sản xuất mới này, đời sống của gia đình tôi cũng như những người dân trong buôn đã khá hơn trước nhiều lắm. Làm đủ ăn, sau đó tôi tích góp để trả lại tiền vay cho Nhà nước từ từ. Nhưng điều mừng nhất là giờ đây, gia đình tôi đã có gần 1ha lúa nước”.
Kinh tế ổn định, việc nghe theo kẻ xấu ở xã Ea Lâm cũng giảm hẳn. Điều này đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị ở một xã có lúc là “điểm nóng” của tỉnh Phú Yên. Với kết quả này, phụ nữ xã Ea Lâm quyết định nhân rộng số thành viên nòng cốt của Hội trong thời gian tới. Bởi hiện nay, số thành viên nòng cốt chỉ mới 20 hội viên, trong khi xã có gần 400 hội viên.
ĐẶNG DỰ