Mùa mưa, đan giỏ, ghế, mùa nắng, cắt lúa, phơi sắn, chặt riềng thuê để kiếm thêm thu nhập… Tuy ở miền núi, nhưng nhiều phụ nữ ở thôn Tân Bình, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) không còn sống dựa vào mấy sào đất ruộng với thu nhập bấp bênh.
Phụ nữ thôn Tân Bình (xã Xuân Sơn Bắc) chặt riềng thuê - Ảnh: K.MY
THÊM VIỆC, THÊM THU NHẬP
Giữa cái nắng trưa hè như đổ lửa, tại sân chợ Xuân Sơn Bắc, một nhóm khoảng ba mươi phụ nữ đang quây quần bên nhau chặt riềng thuê. Người cầm dao chặt riềng trên mặt thớt, người lấy thúng hốt riềng ra sân phơi, người dùng cào cỏ trở riềng cho thấm nắng… Không khí tất tả làm việc hòa trong tiếng cười đùa vui vẻ. Bà Lê Thị Dung (72 tuổi), quản công thuê tại đây cho biết: “Con trai tôi hợp tác làm ăn với mấy đứa bạn ở TP Hồ Chí Minh đưa riềng về đây chặt phơi khô để xuất khẩu. Tôi vận động 30-50 nhân công, phần lớn là phụ nữ trong thôn đến đây chặt và phơi riềng, vừa tạo cơ hội cho chị em kiếm thêm thu nhập, vừa góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn”.
Mỗi công chặt riềng, những người phụ nữ ở đây kiếm thêm 75.000 đồng. Số tiền kiếm thêm từ công việc thời vụ này tuy không nhiều, nhưng cũng đủ làm “ấm lòng” những người phụ nữ quê. “Nhà chỉ có hai sào ruộng, một năm làm hai vụ, thu nhập chẳng là bao, nên tôi tranh thủ chặt riềng thuê để kiếm thêm”, chị Hồ Thị Ẩn, một nhân công tại đây chia sẻ.
Không chỉ cùng chặt riềng, nhiều phụ nữ ở thôn Tân Bình còn rủ nhau đi phơi sắn, cắt lúa thuê. Vào mùa thu hoạch lúa, sau khi đã gặt và phơi xong lúa nhà mình, các chị lại rủ nhau đi gặt thuê cho những gia đình nhiều ruộng. Chị Trần Thị Hồng kể lại: “Người cắt, kẻ cuốn, người tuốt, kẻ phơi, người cào, kẻ xới… không khí cứ rộn ràng lên. Những lúc trời mưa, mọi người lại rần rần che bạt, cào và hốt lúa vào bao. Tuy phải dãi nắng dầm mưa, cực và vất vả, nhưng không ai bỏ việc vì có thêm thu nhập”.
Mỗi công phơi sắn, các chị thu nhập 70.000-80.000 đồng. Công cắt và phơi lúa thì được tính theo sào. Cứ 3-5 người trên một sào ruộng, mỗi công khoảng 80.000-100.000 đồng. Không chỉ làm thời vụ vào mùa nắng, các chị còn rủ nhau tập hợp tại một nhà trong xóm để đan giỏ và ghế bằng sợi mây và bẹ chuối vào mùa mưa. Công mỗi chiếc ghế đan 25.000 đồng. Một ngày các chị đan được từ 2-3 chiếc. Chị Huỳnh Thị Kim Liên cho biết: “Một người trong nhóm lấy vật liệu (sợi mây và bẹ chuối) từ những người bỏ mối, rồi huy động chị em cùng làm. Hễ ai trong nhóm biết có việc thời vụ nào thì mách cho mọi người tham gia. Nhiều người còn kêu gọi các chủ hàng về bỏ mối tại thôn để chị em có thêm việc”.
THÊM NIỀM VUI
Gia đình chị Huỳnh Thị Kim Liên có hai con gái học đại học và một con trai năm nay vào lớp bảy. Mỗi lần thu hoạch lúa, chị bán hết, rồi vay mượn thêm từ hàng xóm để gửi tiền một lượt cho hai con gái mang vào trường dành dụm chi trả cho cả năm học. Ở nhà, hai vợ chồng xoay xở làm công để kiếm thêm tiền trả nợ và chi tiêu cho gia đình. Chị Liên tâm sự: “Lúc trước gia đình tôi chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng, thu nhập bấp bênh. Nhiều năm bị bão lũ, rồi sâu hại làm mất mùa liên tục, nghĩ đến các con không có miếng ăn, vợ chồng tôi tính vào Nam làm phụ hồ. Nay thì may mắn hơn, trong thôn có nhiều việc làm thời vụ, thu nhập tương đối, nên gia đình tôi không sợ… đói nữa”. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thi cũng tham gia vào nhóm người làm việc thời vụ này. Tại sảnh chợ, sau khi chị chặt riềng thành từng mảnh vụn, anh Thi hốt riềng vào thúng, mang ra ngoài sân phơi, rồi chiều đến dồn thành bao, cho vào kho.
Hầu hết những công việc thời vụ này đều làm tại thôn, gần nhà, nên những phụ nữ ở đây yên tâm vừa kiếm thêm tiền, vừa có thể tranh thủ thời gian chăm nom các con. Chị Nguyễn Thị Thứ có sáu đứa con, nhưng có đến ba đứa không biết nói. Thương gia cảnh chị khó khăn, nên khi có việc thời vụ nào, mọi người trong xóm cũng rủ chị làm chung. Chị Thứ tâm sự: “Ba đứa con không nói được, đứa lớn đã 22 tuổi, đứa nhỏ thì 17 tuổi. Mặc dù đã lớn, nhưng hễ không có người canh chừng là chúng nó lại đánh nhau. Vì vậy vợ chồng tôi không dám đi làm xa, mà chỉ làm gần nhà, nếu lỡ có chuyện gì dễ bề giải quyết”.
Từ khi có những công việc thời vụ này, phụ nữ ở thôn Tân Bình không còn suy nghĩ bỏ nhà, bỏ quê vào Nam mưu sinh. Chị Huỳnh Thị Kim Liên chia sẻ: “Chị em trong xóm vừa làm, vừa trao đổi chuyện này chuyện kia liên quan đến thôn xã, rất vui. Người nào có bí quyết chăn nuôi, trồng trọt hay nuôi dạy con hay lại chia sẻ cho mọi người. Ngày nào, ai bận chuyện nhà hay bị bệnh không đi làm được, mọi người lại xúm xít hỏi thăm. Không chỉ giúp kiếm thêm thu nhập đỡ đần cho gia đình, những công việc thời vụ này còn giúp phụ nữ làm nông xóm tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống”.
KHÁNH HÀ