Thứ Năm, 28/11/2024 11:55 SA
“Người hùng” giữa đời thường
Thứ Tư, 17/08/2011 18:00 CH

Khi chiếc tàu xình xịch lao đến, bất chợt nhân viên gác chắn Trần Thị Xuân phát hiện một em bé đang đứng trên đường sắt. Xuân lao đến cứu em bé thoát chết trong gang tấc. Sau hành động dũng cảm đó, cô nhân viên gác chắn người Nghệ An này lại trở về với công việc hàng ngày, vất vả nhưng vinh dự.

 

xuan110817.jpg

Trần Thị Xuân đang trong ca trực tại gác chắn Phước Lương xã An Cư, huyện Tuy An - Ảnh: H.NHƯ

DŨNG CẢM CỨU NGƯỜI

 

Đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), hỏi về nơi ở của Trần Thị Xuân ai cũng sốt sắng chỉ đường. Bà Võ Thị Cúc, sống gần cung đường sắt Chí Thạnh cho biết: “Chuyện cô Xuân dũng cảm cứu cháu Báu đã được lan truyền khắp nơi rồi. Con bé thân thiện, nhiệt tình nên chúng tôi càng quý mến hơn”.

 

Chị Trần Thị Xuân (SN 1989) quê ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và rất hòa đồng. Kể về “sự cố” ngày 1/8, cô nhân viên gác chắn này bồi hồi nhớ lại: “Hôm đó, như mọi ngày, tôi “lên ban” trực gác chắn Phước Lương tại Km1172+754 ở thôn Phước Lương (xã An Cư, huyện Tuy An). Điện thoại reo, thông báo tàu goòng 1282 chạy theo hướng từ nam ra bắc, chở lãnh đạo ngành đường sắt đi kiểm tra sắp qua trạm. Theo nhiệm vụ được phân công, tôi hạ gác chắn hai bên đường chuẩn bị đón tàu. Goòng hú còi, rầm rập lao nhanh về phía trước. Đang phất cờ phát tín hiệu an toàn tôi bất ngờ phát hiện một cháu bé ở giữa đường ray, chập chững đứng dậy. Không kịp định thần, tôi lao nhanh về phía có đứa bé, vừa chạy vừa xoay cờ liên tục ra tín hiệu dừng tàu khẩn cấp. Khi bế thốc cháu lên thì đoàn tàu vụt qua, tôi có cảm giác như chân mình đã đụng phải thân tàu”.

 

“Thời điểm diễn ra vụ việc lúc 11g25. Cháu bé cách tàu 350m, còn cô Xuân đứng cách bé 100m. Chúng tôi đang ăn cơm trong trạm gác, nghe tiếng kêu nhưng không kịp can thiệp. Khi ra đến nơi thì mọi việc xong xuôi cả rồi. Tàu chạy qua vị trí của Xuân và cháu bé hơn 3m mới dừng hẳn. Chưa kịp hoàn hồn, Xuân đã khuỵu xuống, khóc nức nở. Trong khi đó, cháu Nguyễn Văn Báu vẫn bình thản cười đùa, không hề biết rằng nhờ sự dũng cảm của cô nhân viên gác chắn mà bé vừa thoát khỏi bàn tay tử thần”, ông Trần Văn Hải, Cung trưởng Cung đường sắt Chí Thạnh góp chuyện.

 

Xuân cho biết: “Đến bây giờ, khi hồi tưởng lại diễn biến sự việc, tôi vẫn còn run. Lúc đó, tôi không có thời gian để tính toán thiệt hơn, chỉ biết lao đi, cứu đứa bé theo bản năng. Mặc dù nhiều đêm sau đó, tôi thường bị ám ảnh bởi cảm giác thoát chết trong gang tấc, nhưng tôi biết nếu không làm vậy, mình sẽ phải hối hận cả đời”. Sau khi sự việc được thông tin rộng rãi, người thân, bạn bè Xuân liên tục gọi điện hỏi thăm “người hùng” gác chắn. Nhiều người lạ cũng bày tỏ sự khâm phục đối với lòng dũng cảm của cô gái tuổi đôi mươi. “Mọi người yêu mến nên gọi đùa mình là “người hùng” chứ ở vào tình huống đó thì ai cũng hành động như vậy thôi”, Trần Thị Xuân chia sẻ.

 

GẮN BÓ VỚI NGHỀ

 

Là con thứ ba trong gia đình có sáu chị em ở một vùng quê xứ Nghệ, từ nhỏ, Trần Thị Xuân rèn luyện cho mình học được cách sống tự lập. Tốt nghiệp Trường cao đẳng Nghề Đường Sắt, phân hiệu phía Nam ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, Xuân “đầu quân” tại cung đường sắt Chí Thạnh từ năm 2009. Hai năm liền Xuân được bầu chọn là lao động giỏi. Theo Cung trưởng Trần Văn Hải, Xuân làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại khó khăn. Còn chị Đàm Thị Thu Hoài, một nhân viên trực gác chắn ở thị trấn Chí Thạnh nhận xét: “Dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng Xuân đã làm được một việc đáng khâm phục. Xuân là tấm gương về lòng can đảm để chúng tôi học hỏi”.

 

Trần Thị Xuân tâm sự: “Hồi mới vào nghề, hằng ngày, ngồi trong trạm gác nhìn ra chỉ thấy toàn ruộng là ruộng, lòng tôi buồn hiu hắt; trực đêm một mình thấy rợn rợn. Nhiều lúc vừa làm vừa khóc hoặc khi chán nản quá, tôi lại muốn bỏ về quê. Bây giờ thì quen việc rồi”. Nói về công việc hiện tại, Xuân chia sẻ: Việc tuy không khó, nhưng đòi hỏi sự tập trung cao độ, quan sát kỹ lưỡng. Mỗi chuyến tàu chỉ chạy qua trạm gác chừng vài phút, nhưng nếu sơ suất có thể để lại hậu quả khó lường. Nhiều người dân hiểu thì chấp hành đúng luật, nhưng không ít thanh niên không thông cảm, cố ý gây sự, gỡ gác chắn chạy qua đường lúc tàu sắp đến làm tôi nhiều phen thót tim. Ai cũng bảo con gái sao lại chọn nghề này, nhưng tôi nghĩ nghề này rèn cho mình tính kiên trì, giúp mình trưởng thành hơn trong cuộc sống.

 

Không giống với các công việc khác, người gác chắn đường ngang không có ngày nghỉ. Một ca trực kéo dài 12 giờ đồng hồ. Bất kể ngày hay đêm, họ đều phải thức trắng để làm việc. Ngoài 14 ngày phép và những lần đau ốm thì công nhân gác chắn không được nghỉ thêm ngày nào trong năm; chưa kể vào mùa hè, ngày tết, số chuyến tàu tăng lên gấp nhiều lần khiến công việc càng vất vả hơn. “Ở quê, mấy anh chị em trong nhà thường rủ nhau xông đất đêm giao thừa, nhưng vì công việc tôi đành phải vắng mặt. Cung đường sắt nơi tôi đang làm việc cũng có nhiều anh chị em phải xa nhà như vậy. Những ngày cận tết, nhìn những đoàn tàu chở người ra Bắc đoàn tụ với gia đình, còn mình vẫn một mình nơi đất khách, tự dưng thấy tủi thân đến lạ, không khóc được nhưng mắt vẫn rưng rưng. Sau tết của người là tết của mình. Tháng 2, tôi được nghỉ phép về quê, cả nhà lại cùng nhau đón tết”.

 

Đang trò chuyện thì có điện báo tàu sắp qua trạm, Trần Thị Xuân lại tất bật với công việc của một nhân viên gác chắn. Cái dáng nhỏ bé trong nắng chiều đang phất cờ vàng ra hiệu an toàn cho tàu xình xịch đi tới.

 

LÊ HẢO - HỒ NHƯ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek