Tình trạng người lang thang, xin ăn đang diễn ra phức tạp tại TP Tuy Hòa, trong đó có những trẻ em có hoàn cảnh hết sức khó khăn đang là vấn nạn và chưa có giải pháp nào ngăn chặn hiệu quả.
Một trẻ em xin ăn ở chợ Tuy Hòa - Ảnh: T.DIỆU
NHỨC NHỐI TRẺ LANG THANG
Buổi sáng, dạo quanh các khu vực đông người như bến xe nội tỉnh, chợ Tuy Hòa, sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều trẻ em đi xin tiền. Em Ngô Ứng Hùng, 12 tuổi ở thôn Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) có dáng người gầy gò, nước da ngăm đen, tóc vàng hoe vì cháy nắng, cho biết: “Cha mất sớm vì bệnh tim, mẹ bị tật không thể đi lại được. Vì vậy, em và em trai là Ngô Văn Trúc (10 tuổi) chỉ biết: “Đi xin để kiếm tiền nuôi mẹ, mỗi ngày được khoảng 50.000 đồng. Dù rất muốn đi học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đành bỏ học”. Hùng cho biết thêm, bạn bè ăn xin của em nhiều lắm, toàn là ở miền núi đến TP Tuy Hòa”.
Nhóm xin ăn có gần 30 người đang tạm nghỉ dưới các chân cầu thang của chợ Tuy Hòa, đông nhất đến từ xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân). Chị Mang Thị Thanh, một người trong nhóm xin ăn ở đây, nói: “Chồng tôi chết sớm, giờ một mình nuôi hai đứa con và một mẹ già. Ở nhà làm ruộng, rẫy không đủ ăn”.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, tiểu thương bán tạp hóa tại chợ Tuy Hòa, cho biết: “Gần đây, người xin ăn tập trung nhiều ở chợ, trẻ con có, người lớn có. Mình bán buôn mà họ cứ đến xin tiền, làm khách mua rất khó chịu”.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Ông Võ Văn Binh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết: Thời gian qua, các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, hỗ trợ gia đình có trẻ em lang thang xin ăn ở các nơi. Tuy nhiên, tình hình trẻ em lang thang và tái lang thang vẫn còn nhiều biến động. Nổi cộm nhất là trẻ em tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) bỏ làng đi xin ăn. Một số em do cha mẹ đưa đi, một số em theo người lớn trong làng đi.
Trước thực trạng người lang thang xin ăn đổ về TP Tuy Hòa như hiện nay, Phòng LĐ-TB-XH TP Tuy Hòa đang phối hợp với các ngành chức năng đưa trẻ cùng gia đình tập trung tại Trung tâm Giáo dục chữa bệnh-Lao động-Xã hội tỉnh. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với UBND xã Xuân Lãnh đưa một số trẻ lang thang, xin ăn hồi gia, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ được học chữ, học nghề tại cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức chiến dịch truyền thông “Ngăn chặn trẻ em lang thang, xin ăn” tại xã Xuân Lãnh; tập huấn cho lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể và các trưởng thôn, già làng về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tuyên truyền về tác hại của việc trẻ em lang thang xin ăn và các giải pháp hạn chế, truyền đạt kiến thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Nhờ vậy, có thời điểm tình trạng trẻ em lang thang xin ăn giảm, thế nhưng vào mùa hè thì tình trạng này lại “nổi” lên.
Theo ông Võ Văn Binh, trước mắt, để giảm tình trạng trẻ em đổ về TP Tuy Hòa lang thang xin ăn, bên cạnh các giải pháp của ngành LĐ-TB-XH, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc ngăn chặn tình trạng này; đưa những đối tượng lang thang về Trung tâm Giáo dục chữa bệnh - Lao động - Xã hội tỉnh và thông báo trả về cộng đồng để giáo dục; gia đình có trẻ lang thang phải ký cam kết với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không để trẻ không còn lang thang kiếm sống…
TUYẾT DIỆU