Ngày 29/7, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công điện khẩn chỉ đạo việc đối phó với bão số 3, nội dung như sau: Bão số 3 (tên quốc tế là Nock-Ten) đang tiếp tục di chuyển về phía nước ta.
Khoảng trưa ngày 30/7, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển, dự kiến đổ bộ vào đất liền khu vực từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Đây là cơn bão mạnh, sức gió vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13; trước, trong và sau bão có thể có mưa to đến rất to, diễn biến của bão còn phức tạp.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản và các chủ tàu tiếp tục kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển để không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn; tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh bão.
2. Bộ NN-PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập; chủ động tiêu nước bảo vệ các trà lúa mới cấy, chống ngập úng các thành phố.
3. Bộ GTVT chỉ đạo nắm chắc số lượng tàu vận tải đang hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển tìm nơi tránh, trú bão an toàn, thông báo kịp thời để các tàu vận tải không đi vào vùng nguy hiểm. Có phương án đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố sạt lở khi mưa, lũ.
4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão phối hợp với lực lượng của địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ thực hiện việc sơ tán dân khi có yêu cầu; cùng địa phương triển khai các biện pháp cần thiết phòng, chống khi bão đổ bộ vào bờ.
5. Các bộ: Thông tin - Truyền thông, Công Thương, Y tế, Ngoại giao, VH-TT-DL và các bộ, ngành liên quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương chủ động vận hành an toàn các hồ thủy điện, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, duy trì thông tin liên lạc, đảm bảo đủ nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ, nguồn điện phục vụ bơm tiêu chống úng ngập, sẵn sàng giúp đỡ địa phương khi có yêu cầu.
6. Bộ TN-MT chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo, đưa tin kịp thời những diễn biến của bão cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.
7. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
8. Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể, chủ động đối phó với bão, lũ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách vượt thẩm quyền.
9. Thủ tướng Chính phủ cử 2 đoàn công tác do Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn làm trưởng đoàn đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Theo TTXVN