Về khu phố 3, phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) hỏi ông thương binh Lê Xuân Quang hầu như ai cũng biết, bởi cái “tài” làm kinh tế và nuôi 5 cô con gái ăn học đến nơi đến chốn.
Niềm vui của vợ chồng ông Quang khi xem lại thành tích học tập của các con- Ảnh: N.DUNG |
Dù đã được ông Nguyễn Văn Hiệu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ở phường Phú Thạnh cho hay ông Lê Xuân Quang là một trong những thương binh làm kinh tế giỏi của phường, nhưng chúng tôi vẫn cứ ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi nhà đúc hai tầng khang trang, hoàng tráng của người thương binh 55 tuổi này. Ông Quang cười xòa: “Bình thường thôi mà cô. Vợ chồng tôi luôn xác định cuộc sống là do bản thân mình tạo lập, giàu có hay sướng khổ cũng do mình, vậy nên không thể không nỗ lực”.
Đó là ông nói vậy, chứ chúng tôi biết để tạo lập nên một cơ ngơi như vậy với người bình thường đã khó, huống chi là với một người thương binh hạng 3/4 như ông. Những tháng ngày đi bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia (hay còn gọi là chiến trường K) ông Quang bị địch bắn trọng thương. Vết thương ấy khiến gương mặt ông bị biến dạng. Nhiều lần ông nói đùa với những người bạn cựu binh của mình, trông gương mặt tôi bây giờ không còn điển trai như thời thanh niên, nhưng chân tay vẫn còn lành lặn, mắt vẫn sáng, tai vẫn nghe rõ, vậy là vẫn còn may mắn hơn nhiều thương binh khác.
Với suy nghĩ, không thể bó tay trước cảnh đói nghèo, ngày xưa đi bộ đội khó khăn cách mấy cũng vượt qua, bây giờ thời bình rồi, hà cớ gì không chống được “giặc đói”. Từ suy nghĩ đó, ông Quang đã cùng vợ mình là bà Nguyễn Thị Lài không nề hà bất cứ công việc gì miễn là lao động chính đáng, để tạo lập kinh tế gia đình và nuôi con ăn học. Hai vợ chồng ông Quang đặt ra “chiến lược” là vừa làm ruộng, vừa nuôi heo nái. Ngoài những sào ruộng do Nhà nước giao ông Quang còn mua thêm đất ruộng về canh tác. Để việc trồng lúa, nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông ngày đêm mày mò tìm tòi đọc những cách thức trồng trọt chăn nuôi theo kỹ thuật, phương pháp mới để nuôi heo mau lớn, không bị dịch bệnh, còn lúa thì cho sản lượng cao. Nhờ vậy, sau mỗi vụ mùa, nhà ông luôn đầy lúa, còn đàn heo mỗi lúc một nhiều. Bình quân mỗi năm, vợ chồng ông xuất chồng 4 lứa heo con. Trung bình bán một lứa heo, lãi được 5 chỉ vàng, đó là chưa kể đến 4 tấn lúa mà vợ chồng ông “thu về” sau mỗi vụ mùa. Năm 2.000, vợ ông Quang xây được một ngôi nhà khang trang, với chi phí xây dựng hết 12 cây vàng. Ngoài ra, để tăng thêm thu nhập hàng ngày, bà Lài còn “kiêm” thêm nghề mua nhôm nhựa. Cái nghề này theo bà đã trên 10 năm nay.
Thêm một điều khiến nhiều người ở khu phố 3 “nể” vợ chồng ông Quang chuyện ông lo cho con cái mình ăn học đàng hoàng. Cô con gái đầu Lê Phương Lan, tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh, hiện là thạc sĩ ngành Sử học. Cô con gái thứ hai Lê Thị Mỹ Lệ tốt nghiệp Đại học sư phạm Quy Nhơn. Cô con gái thứ ba Lê Thị Kim Liên tốt nghiệp Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh. Cô con gái thứ tư là Lê Thị Thu Phượng đang học năm thứ ba Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Cô con gái út Nguyễn Thị Thanh Hà thì vừa mới tốt nghiệp cấp ba. Trong nhà vợ chồng ông Quang chất nhiều những giấy khen, bằng khen của năm cô “công chúa”- đó chính là niềm vui, niềm tự hào của họ. Niềm vui ấy trở thành động lực để vợ chồng ông vượt qua những trở ngại khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Các con ông bây giờ đã thực hiện được phần nào mong mỏi của cha mẹ. Ông Quang thổ lộ: “Người ta cứ nói con gái thì học chi cho lắm, nhưng tôi thì nghĩ thời buổi này mà không có học hành, bằng cấp thì làm sao bươn chải ở ngoài xã hội. Hơn nữa cũng để sau này con mình có tương lai, cuộc sống không phải đầu tắt mặt tối như vợ chồng tôi và để trở thành những công dân tốt cho xã hội”.
NGỌC QUỲNH