Năng động, tháo vát, đảm đang... là những gì mà mọi người ở thôn Ma Y (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) nói về chị La O Thị Liên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ma Y. Từ một phụ nữ nằm trong diện hộ nghèo của xã, nhờ chịu khó, chăm chỉ lao động đến nay La O Thị Liên không những vươn lên thoát nghèo, mà còn giúp đỡ nhiều phụ nữ nghèo, người già neo đơn trong thôn có một cuộc sống ổn định.
La O Thị Liên (bên trái) trao đổi nghiệp vụ công tác Hội với Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Gia Trụ - Ảnh: N.DUNG |
La O Thị Liên bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình từ một người chồng phụ bạc. Người ấy đã rời bỏ chị đi theo người đàn bà khác, khi chị mới vừa sinh con gái hơn 1 tháng tuổi. Trong hoàn cảnh con nhỏ không người chăm sóc, cơm ăn ngày ba bữa không đủ no, cuộc sống túng thiếu mọi bề, La O Thị Liên chỉ còn biết nuốt những giọt nước mắt tủi hận vào lòng, gắng gượng sống nuôi con. Chị đặt tên con gái là La O Mỹ Hận, ghi dấu những ngày tháng buồn bã, đau đớn nhất trong cuộc đời. Bây giờ những năm tháng ấy đã dần phai mờ trong ký ức của chị. “Hơn 15 năm nay, chị phải cố quên để mà sống nuôi con khôn lớn. Con gái Mỹ Hận thương mẹ, nên chăm chỉ học cái chữ để nên người. Hiện Hận đang học lớp 9 ở trường Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa”, chị La O Thị Liên tâm tình.
Để có điều kiện nuôi con ăn học, trang trải chi phí cuộc sống hàng ngày, thời gian đầu chị La O Thị Liên đã vay 3,5 triệu đồng quỹ xóa đói giảm nghèo để nấu rượu và nuôi 7 con heo. Sau khi heo lớn xuất chuồng, chị La O Thị Liên không những trả được tiền vay mà còn dư được khoản tiền để mua một con bò, hai con heo. Cùng với một khoản tiền tích góp dành dụm lâu nay, chị thuê công phát dọn 2ha đất rẫy. Hiện tại, chị đang có 10 con heo, 5 con bò, 2 ha sắn, mỗi năm thu được 60-70 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn là chủ nhân của tiệm sửa sắc đẹp Mỹ Liên. Mỗi năm, từ việc sửa sắc đẹp, dịch vụ cho thuê đồ cưới, chị thu vào từ 10-20 triệu đồng. Điều đáng nói là không những bản thân chịu khó nghĩ cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo, chị Liên còn cho những phụ nữ nghèo, người già neo đơn trong thôn như mí Sợi, một phụ nữ nghèo đơn thân, hay Mó Câm - một ông cụ già yếu bị câm nuôi bò và heo của mình, để có điều kiện phát triển kinh tế gia đình… Mí Sợi thổ lộ: “Nhờ có cô Liên mà cuộc sống gia đình tôi có bò để nuôi, chăn dắt, đỡ khổ hơn”.
Bây giờ không những có một cuộc sống ổn định mà La O Thị Liên còn xây được nhà ở, mua xe máy. Để có những thành quả này, với một phụ nữ người dân tộc Chăm H’Roi như chị La O Thị Liên là cả một sự nỗ lực rất đáng ghi nhận. “Chị là tấm gương vượt khó không những cho chị em trong thôn Ma Y noi theo mà phụ nữ ở các thôn khác noi theo”, mí Kiều, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Gia Trụ nói về chị Liên.
Nhiều người trong thôn Ma Y bảo rằng, không những chị La O Thị Liên làm kinh tế giỏi, mà còn là một chi hội trưởng chi hội phụ nữ rất năng động, nhiệt tình, tích cực với công tác hội, nhất là việc tạo điều kiện cho chị em nghèo vay vốn làm ăn. Chị La O Thị Liên thổ lộ: “Tôi đã từng sống rất nghèo khó nên hiểu được những lúc như vậy, người ta rất cần mình giúp đỡ, vì thế mình không thể làm ngơ”.
THỦY VĂN