Thứ Tư, 02/10/2024 07:23 SA
Nói chuyện chuyên đề phòng ngừa trẻ em bị xâm hại:
Một cách truyền thông hiệu quả
Thứ Ba, 21/06/2011 18:00 CH

Những năm gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng nghiêm trọng và phức tạp, đặc biệt là bị xâm hại tình dục. Việc thay đổi hình thức tuyên truyền chung chung như lâu nay bằng việc nói chuyện cụ thể về một chuyên đề có thể trang bị đầy đủ kiến thức bảo vệ trẻ.

 

gia-dinh-tham-gia110621.jpg

Một buổi nói chuyện chuyên đề phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tại huyện Tây Hòa. - Ảnh: T.THẢO

 

TIÊN LƯỢNG NHỮNG HIỂM HỌA CHO TRẺ

 

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên đã phối hợp với phòng Lao động - Thương binh - Xã hội các huyện, thị tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về trẻ em bị xâm hại, trẻ em lao động nặng nhọc để cụ thể hóa kiến thức tự bảo vệ mình cho các em và giúp các bậc cha mẹ tiên lượng được những nguy cơ xảy ra với con. Theo đó, các gia đình có trẻ được truyền đạt, hướng dẫn những kỹ năng chăm sóc con, cách giúp con gây thiện cảm với mọi người, tự ý thức và kỹ năng ứng xử khi giao tiếp; khi phát hiện con mình bị xâm hại, biết cách sơ cứu khi gặp nạn và biết các đường dây nóng để gọi giúp đỡ khẩn cấp…

 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trong hai năm 2008-2009, cả nước đã xảy ra 5.956 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Số trẻ em bị xâm hại tình dục đang có chiều hướng gia tăng, từ 200 em (năm 2005) lên đến 833 em (năm 2009) và khoảng 900 em (2010). Trong 2 năm đó, Phú Yên có đến 28 em bị xâm hại tình dục. Hầu hết trẻ em bị xâm hại đều trong độ tuổi từ 13-16 tuổi, thậm chí có em mới mấy tháng tuổi, nghiêm trọng hơn là có một vụ trẻ bị xâm hại rồi giết chết. Hung thủ phần lớn là người gần gũi với nạn nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, cán bộ chuyên trách trẻ em xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), khi có sự tác động trực tiếp, gia đình các em sẽ nhận ra được những tác hại của việc con bị người khác xâm hại. Chị Đinh Thị Bích Ngọc (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) tỏ ra phấn khởi: “Chương trình này rất hay, đáp ứng được những nhu cầu của trẻ em, nhất là khi phụ huynh không có điều kiện, thời gian chăm sóc, dạy dỗ con và không có khả năng giúp con sống tự lập”.

 

Theo đồng chí Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, con số thống kê trẻ bị xâm hại chỉ là những trường hợp được trình báo. Trên thực tế, số vụ còn cao hơn nhiều do các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị che giấu bởi tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưởng tới tương lai của trẻ hoặc không tố giác... Những trường hợp trẻ em bị xâm hại đều có cuộc sống khó khăn, cha mẹ phải tần tảo mưu sinh nên việc quản lý, giáo dục trẻ em bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, do trình độ học vấn cũng như nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; trong nói năng, sinh hoạt của nhiều bậc làm cha mẹ còn thiếu gương mẫu, tạo sự tò mò cho trẻ em. Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục chưa đi vào chiều sâu, việc giáo dục giới tính chưa được quan tâm đúng mức… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra.

 

MỘT CÁCH TRUYỀN THÔNG HIỆU QUẢ

 

Lâu nay, công tác truyền thông chủ yếu chú trọng tuyên truyền chung chung thì nay từng chuyên đề với từng nội dung cụ thể được tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Từ đó, gia đình có những biện pháp giúp con em mình được hưởng đầy đủ các quyền lợi.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ chuyên trách trẻ em xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), cho biết: “Vấn đề lo lắng là khi các em ở nhà một mình, hoặc phải bươn chải để kiếm tiền giúp gia đình, có thể gặp những tình huống bất thường, khi đó các em không biết xử lý và không có những phản ứng tự bảo vệ mình. Do vậy, việc trang bị kiến thức cụ thể như thế sẽ có tác dụng rất tích cực. Cụ thể, cha mẹ biết gởi con khi đi làm, cho học ở nhà cô giáo hoặc đưa con theo bên mình.

 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Tương Lai nhấn mạnh: “Những chương trình như thế này là cầu nối giữa gia đình và cộng đồng với trẻ em, giúp các gia đình hiểu hơn về các quyền, nghĩa vụ của trẻ, hiểu những nguy cơ hiểm họa trẻ sẽ gặp khi không được gia đình quan tâm và giáo dục. Chúng tôi sẽ duy trì chương trình này luân phiên qua các năm, nhất là vào các tháng cao điểm hành động vì trẻ em”.

 

Ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết: “Nâng cao trách nhiệm quản lý của Nhà nước và hệ thống bảo vệ chính quyền các cấp cùng sự phối hợp tích cực, chủ động từ phía gia đình, nhà trường, cộng đồng là những giải pháp hữu ích, thiết thực trong việc ngăn ngừa phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Bên cạnh đó, giáo dục trẻ em không được tiếp xúc với người lạ mặt khi cha mẹ hay người thân không có ở nhà; không được nhận tiền, quà của người lạ; hướng dẫn các em trên đường đến trường hay về nhà phải tập hợp lại thành nhóm để đi, nhằm tránh kẻ xấu lợi dụng nơi vắng vẻ để thực hiện hành vi xấu”.

  

PHONG NHÃ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek