Thứ Tư, 02/10/2024 19:34 CH
Di tích lịch sử cấp quốc gia địa đạo Gò Thì Thùng (huyện Tuy An):
Bị xâm hại và xuống cấp trầm trọng!
Thứ Hai, 13/06/2011 07:26 SA

Hơn hai năm kể từ khi được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo đúng mức. Việc người dân địa phương cày xới lớp đất mặt để canh tác cộng với sự tàn phá của tự nhiên đã làm cho di tích Ðịa đạo Gò Thì Thùng bị xuống cấp trầm trọng.

 

diadao110613.jpg

Địa đạo Gò Thì Thùng bị xuống cấp - Ảnh: L.BIẾT

 

SẮN LẤN DI TÍCH

 

Địa đạo Gò Thì Thùng được xây dựng từ tháng 4/1964 đến tháng 8/1965, sâu khoảng 5m, dài gần 2km với nhiều lớp chiến hào cùng hệ thống hầm chỉ huy, đài quan sát, hầm chứa lương thực, vũ khí, nước uống dự trữ… Đây là nơi ghi dấu kỳ tích của quân và dân Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2009, địa đạo Gò Thì Thùng được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, di tích này chưa được đầu tư, tu bổ…

 

Theo người dân địa phương, trước đây, trên bề mặt địa đạo phần lớn là đất trồng bạch đàn, keo lá tràm theo dự án PAM (dự án trồng rừng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới). Thêm vào đó, cây sim mọc tự nhiên và những trảng cỏ giúp giữ đất, giữ nước, tạo bề mặt di tích ổn định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của địa đạo. Tuy nhiên, từ cuối năm 2010 đến nay, lá chắn tự nhiên của địa đạo không còn. Người dân đã phát quang gần hết diện tích đất nằm trong khu vực bảo vệ di tích để trồng sắn. Ông Đỗ Ngọc Ninh, một người dân có đất trồng sắn trên khu vực di tích, thừa nhận: “Trước kia chúng tôi có cam kết trồng rừng theo dự án PAM nhưng không được nghiệm thu. Thế nên chúng tôi phát quang trồng sắn để đảm bảo kinh tế cho gia đình”.

 

Ông Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân, cho biết: “Đất trong khu vực bảo vệ di tích do nhân dân khai phá và dùng trồng cây từ trước khi di tích được công nhận. Vì đất này gắn với nhu cầu dân sinh nên hiện nay địa phương khó có thể đình chỉ hoạt động sản xuất. Chính quyền xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Các hộ dân cũng đã ký cam kết đến tháng 10 năm nay sẽ trồng lại toàn bộ diện tích rừng để bảo vệ di tích”.

 

Hiện nay, do lớp đất mặt bị cày xới để canh tác cộng với sự tàn phá của tự nhiên, di tích Địa đạo Gò Thì Thùng đang bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều đoạn hầm bị sụt lún, hoặc đã sập hẳn. Nhiều giếng quan sát bị bỏ hoang hoặc lấp mất. Nhiều cửa hầm không còn hoặc bị che phủ không tìm thấy lối vào. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, lo lắng: “Chúng tôi rất xót xa trước tình trạng di tích bị xâm hại. Nếu tình trạng này tiếp diễn mà không được quan tâm nạo vét, tôn tạo thì có nguy cơ địa đạo sẽ hư hỏng”. Bà Hoa nói thêm, hiện nay, mối quan hệ giữa việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế vẫn chưa được giải quyết hài hòa, “nhưng quan tâm đến di sản là quan tâm đến tương lai” – bà Hoa nhấn mạnh.

 

CHỜ ÐẦU TƯ TÔN TẠO

 

Trước tình trạng di tích lịch sử quốc gia Địa đạo Gò Thì Thùng đang bị xâm hại, UBND xã An Xuân kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch chính xác vùng di tích để tiến hành thu hồi đất, đền bù cho nhân dân theo quy định, đồng thời tổ chức trồng lại rừng để giữ cảnh quan, xứng tầm với di tích lịch sử cấp quốc gia. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đầu tư tu bổ cửa hầm, tiến hành nạo vét đường hầm và nhanh chóng đưa ra các phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

 

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, khẳng định: “Sở sẽ chỉ đạo Phòng Quản lý di sản và Bảo tàng tỉnh Phú Yên phối hợp với chính quyền huyện Tuy An và xã An Xuân tổ chức kiểm tra thực địa, đánh giá mức độ hư hại của di tích nhằm đề ra biện pháp khắc phục. Trước mắt, sẽ khoanh vùng di tích theo sơ đồ quy hoạch và tiến hành cắm mốc bảo vệ; tiếp theo là đặt biển chỉ dẫn di tích. Đồng thời, sở sẽ bàn với địa phương phương án phục hồi cây trồng trên khu vực di tích cho phù hợp”. Theo đồng chí Phan Đình Phùng, việc bảo vệ di tích lịch sử văn hóa phải được thực hiện đúng luật, nếu có tình trạng di tích bị xâm hại, các cấp có liên quan sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vụ việc.

 

Theo Luật Di sản văn hóa, tất cả các cấp, ngành có liên quan, tùy theo thẩm quyền và chuyên môn, đều có trách nhiệm tổ chức, bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị của di tích. “Tuy nhiên, do ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, kinh phí Nhà nước cấp cho việc bảo tồn di tích có hạn nên việc đầu tư, tôn tạo và bảo tồn di tích đang gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Phan Đình Phùng nói.

 

Theo kế hoạch đề xuất kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015, di tích Địa đạo Gò Thì Thùng sẽ được đầu tư khoảng 6 tỉ đồng vào năm 2012 để tu bổ, tôn tạo.

 

LÊ HÀ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Vàng tặc” băm nát Hòn Hàn
Chủ Nhật, 12/06/2011 07:38 SA
Phấn đấu thu trên 1.500 đơn vị máu
Chủ Nhật, 12/06/2011 07:30 SA
Ðiểm đến của nhiều người
Thứ Bảy, 11/06/2011 15:00 CH
Nên có sự trợ sức từ cộng đồng
Thứ Bảy, 11/06/2011 15:00 CH
Xay, đãi vàng giữa khu dân cư
Thứ Bảy, 11/06/2011 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek