Phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Phú Yên chưa đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Trong khi nhiều doanh nghiệp tìm cách “lách luật” thì vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia giải quyết vấn đề này chưa được phát huy.
Người lao động rất cần tham gia BHXH để đảm bảo quyền lợi lâu dài. - Ảnh: N.HÂN
DOANH NGHIỆP “LÁCH LUẬT”
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Phú Yên đang phát triển nhanh, đa dạng ngành nghề và thu hút ngày càng nhiều lao động. Môi trường lao động mới nảy sinh nhiều mối quan hệ từ phía người lao động và chủ sử dụng lao động, trong đó dễ nhận thấy nhất là việc thực hiện chính sách chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) còn nhiều vi phạm. Doanh nghiệp luôn tìm cách trốn tránh hoặc dây dưa đóng BHXH, trong khi đó, người lao động do sợ mất việc nên không dám đấu tranh, thậm chí còn thỏa thuận với doanh nghiệp để nhận số tiền 6% (tiền đóng BHXH, BHYT) vào lương hàng tháng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sử dụng lao động theo thời vụ, không có hợp đồng lao động, không có bảng lương nên rất khó cho công tác kiểm tra cũng như kiến nghị thanh tra xử phạt theo luật… Vì vậy, dẫn đến hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp khi thực hiện Luật BHXH tại đơn vị như khai báo hợp đồng ngắn hạn, chỉ trích nộp BHXH theo mức lương cơ bản, khai báo số lao động thấp hơn so với thực tế, nợ đọng BHXH kéo dài.
Anh Nguyễn Văn An, công nhân của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (TX Sông Cầu) cho biết: “Tôi làm việc tại doanh nghiệp này gần 2 năm nhưng chưa thấy nhắc đến việc đóng BHXH hay BHYT cho người lao động. Khi chúng tôi hỏi đến việc đóng BHXH thì doanh nghiệp bảo từ từ ổn định lao động rồi tính… Chủ doanh nghiệp nói vậy thì biết làm sao”.
Theo báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2010 của BHXH tỉnh Phú Yên, kết quả điều tra khảo sát trong toàn tỉnh có 701 doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 13.984 lao động chưa tham gia BHXH. Trong năm 2010, chỉ có 56 đơn vị đăng ký tham gia BHXH với 613 lao động, nâng tổng số đơn vị tham gia BHXH đến nay lên 288 đơn vị với 10.856 lao động, đạt tỉ lệ 77,6%. Như vậy, chứng tỏ vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh “lách luật”, chưa quan tâm đến việc thực hiện BHXH… dẫn đến quyền lợi của người lao động bị bỏ ngỏ.
CÔNG ÐOÀN CHƯA PHÁT HUY VAI TRÒ
Ông Ngô Hưng, Trưởng phòng kiểm ta (BHXH Phú Yên) cho biết, tổ chức Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhiều kiến nghị chính đáng của công nhân về quyền lợi BHXH chưa kịp thời phản ánh lên cấp trên hoặc giải quyết quá chậm. Việc phối hợp giải quyết những vướng mắc tồn tại, đơn khiếu nại, tố cáo của công nhân về vi phạm các quyền lợi BHXH chưa được công đoàn cơ sở, với tư cách là thành viên hòa giải thực hiện tốt”. Hiện nay, không ít doanh nghiệp đã thành lập tổ chức Công đoàn, song với lý do “lao động chưa ổn định” nên quyền lợi được tham gia BHXH của người lao động chưa được đề cập kịp thời. Chủ tịch Công đoàn cơ sở một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu nói: “Chúng tôi chỉ gợi ý cho lãnh đạo thôi chứ không dám lên tiếng, vì quyền quyết định là của giám đốc”.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan như: Thanh tra Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Liên đoàn Lao động, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thống kê tỉnh… chưa đồng bộ và hiệu quả nên việc tuyên truyền giáo dục, vận động và thanh tra kiểm tra xử phạt vi phạm về BHXH còn nhiều hạn chế, trong khi cơ quan BHXH tỉnh không có thẩm quyền xử phạt. Theo xu hướng phát triển chung, chỉ vài năm nữa, hàng loạt doanh nghiệp ngoài quốc doanh tiếp tục ra đời tạo thêm cơ hội việc làm mới cho nhiều lao động. Trong lúc chờ đợi cụ thể hóa những chính sách lâu dài đối với việc xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, việc cần thiết bây giờ của tổ chức Công đoàn là cần mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là đối với lao động cơ bắp để bù đắp một phần thu nhập khi bị suy giảm sức khỏe.
NGỌC HÂN