Thứ Ba, 26/11/2024 20:47 CH
Xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế:
Nơi thuận lợi, nơi khó khăn
Thứ Hai, 06/06/2011 14:00 CH

Xã đạt chuẩn quốc gia về y tế luôn là một thách thức lớn với ngành Y tế Phú Yên. Hiện nay, y tế tuyến xã còn gặp nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất, cơ cấu cán bộ, vệ sinh môi trường… Trong khi để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, địa phương phải hội đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về các nguồn lực và hoàn thành các chỉ tiêu hoạt động cho y tế tuyến xã một cách toàn diện.

 

Triển khai xây dựng từ năm 2004, đến nay, Phú Yên có 55/116 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỉ lệ 47,4%. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là cuối năm 2010, toàn tỉnh phải đạt 75% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong xây dựng đạt chuẩn, các địa phương đạt tỉ lệ cao nhờ có đầu tư, phối hợp tốt, trong khi một số địa phương khác gần như “dậm chân tại chỗ” trong tiến trình này.

 

kham-benh-hht110606.gif

Khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) - xã đã đạt chuẩn y tế quốc gia từ năm 2006  - Ảnh: T.THỦY

 

ÐẠT CHUẨN NHỜ ÐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN NỘI LỰC

 

Phú Hòa hiện có 100% xã (9/9) đạt chuẩn quốc gia về y tế, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh. Trong 10 chuẩn về y tế, có 4 chuẩn mà các nơi khác khó thực hiện là cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, nhân lực và chế độ chính sách, vệ sinh phòng bệnh, kế hoạch và tài chính, thì Phú Hòa đã làm tốt 4 chuẩn này. Phú Hòa là huyện đầu tiên ở Phú Yên triển khai xây dựng thôn văn hóa sức khỏe. Những yêu cầu của thôn văn hóa sức khỏe như phải sử dụng nước sạch, trong năm không để xảy ra dịch, không có ngộ độc thực phẩm đến 20 người… đã tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế.

 

Đông Hòa và Tây Hòa là hai huyện có tính bứt phá trong xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế mấy năm gần đây. Huyện Đông Hòa đã có 9/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bác sĩ Nguyễn Thành Thân, Trưởng Phòng Y tế huyện Đông Hòa, cho biết: “Nhờ có sự quan tâm của UBND huyện về kinh phí, cùng với phát triển nội lực của cán bộ y tế, các xã lần lượt đủ điều kiện để đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mỗi năm, ngân sách huyện đưa về mỗi trạm y tế 200 triệu đồng, xã nào đạt chuẩn thì huyện thưởng thêm 10 triệu để mua máy vi tính”. Huyện này đã có 100% xã có bác sĩ. Hiện chỉ còn xã Hòa Tâm chưa đạt chuẩn về y tế vì cơ sở của trạm y tế chưa ổn định. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung Trần Phú Sơn, nói: “Chính quyền xã Hòa Hiệp Trung luôn quan tâm về tinh thần, vật chất để xã thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; thường xuyên chỉ đạo để thực hiện tốt công tác phòng chống sốt xuất huyết, vệ sinh cộng đồng. Từ đó, nhận thức của người dân trong giữ gìn sức khỏe ngày một tăng”.

 

TIẾP TỤC XÂY DỰNG XÃ CHUẨN Y TẾ

 

Phong trào phấn đấu thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã đã được phát động tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhiều địa phương đã đưa chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào nghị quyết của cấp ủy Đảng, HĐND, UBND. Tuy nhiên, hiện vẫn gặp một số khó khăn nên TX Sông Cầu và các huyện miền núi đạt tỉ lệ thấp. Phần lớn những trạm y tế không đảm bảo diện tích quy định, nhân lực y tế chưa đủ, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, nhiều nơi còn suy nghĩ xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là của ngành Y tế, chưa có sự huy động các nguồn lực từ cộng đồng và xã hội. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, xã hội hóa y tế chưa được chú trọng nên một bộ phận nhân dân chưa hình thành được ý thức và thói quen tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn thương tích chưa được người dân quan tâm đúng mức.

 

Bác sĩ Phạm Hồng Thái, Trưởng Phòng Y tế huyện Sông Hinh, cho biết: “Để xây dựng một xã đạt chuẩn về y tế ở huyện Sông Hinh rất khó khăn, trong đó khó khăn nhất vẫn là ý thức người dân. Vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý phân, rác thải ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều bất cập. Mặt khác, vì người dân tộc thiểu số có thói quen đi vệ sinh ngoài đồng, ngoài rẫy, sau nhà nên vận động xây nhà vệ sinh cũng khó”. Đến nay, Sông Hinh chỉ có 3/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là Sơn Giang, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây. Theo ông Thái, cơ sở hạ tầng các trạm y tế đã được quan tâm. Điều thuận lợi là 8/11 xã đã có bác sĩ. UBND huyện Sông Hinh thành lập đề án đến năm 2015 đạt 100% xã chuẩn y tế quốc gia. Theo đó, cứ mỗi năm địa phương xây dựng đạt chuẩn hai xã.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lâm (huyện Sông Cầu), nói: “Đơn vị muốn đăng ký đạt chuẩn y tế quốc gia nhưng còn thiếu bác sĩ, biên chế chưa đủ, thiếu cả lĩnh vực dược, đông y. Bên cạnh đó, người dân ở xã tự chăm sóc sức khỏe bệnh tật chưa cao. Chúng tôi sẽ cố gắng để cùng địa phương xây dựng xã chuẩn, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh cho người dân địa phương”.

 

Theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Phú Yên, thành công của các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An sẽ giúp cho các địa phương khác trong tỉnh nhiều kinh nghiệm quý báu về xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong đó, bài học lớn nhất là sự chủ động, năng nổ, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền của phòng y tế huyện...

 

DƯƠNG THU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek