Kỳ nghỉ hè đã đến. Ngoài việc gia đình tổ chức cho con, em mình đi nghỉ mát, tắm biển, các em cũng có thể tự rủ nhau đi tắm ở sông, suối, ao, hồ... Vì vậy nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ là rất cao. Việc trang bị cho trẻ, người thân có thêm hiểu biết về phòng tránh và kỹ năng cấp cứu tai nạn đuối nước và tạo môi trường sống an toàn cho trẻ là rất cần thiết.
Trẻ em đi tắm sông cần có sự giám sát của người lớn. - Ảnh: T.THẢO
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ học sinh chết đuối do tắm sông, tắm suối làm hoang mang các bậc phụ huynh. Em Võ Thị Thanh Nga (lớp 7, Trường THCS Hùng Vương, TP Tuy Hòa) tử vong vì đuối nước tại phía nam cầu Hùng Vương, khi Nga cùng 5 bạn xuống sông Đà Rằng tắm và bị sụp hố sâu. Một vụ chết đuối thương tâm khác là em Nguyễn Văn Vũ (lớp 4, Trường tiểu học An Cư số 2, xã An Cư, Tuy An), khi bắt ốc bị sụp chân xuống chỗ nước sâu. Tiếp đó, 2 học sinh lớp 10, Trường THPT Trần Bình Trọng (huyện Phú Hòa) là Nguyễn Đình Tiến và Hồ Văn Hướng cùng nhóm bạn rủ nhau đến chơi tại khu vực suối Cái (Hòa Định Đông) tắm và bị chết đuối…
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, 4 tháng đầu năm 2011, đã có 12 trường hợp là trẻ em bị tử vong do đuối nước. Mùa hè nóng nực, các em hiếu động thích chơi đùa trong môi trường nước, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng bơi. Không ít gia đình bất cẩn, để trẻ chơi tự do, thiếu sự quản lý. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ môi trường sống không an toàn. Nhiều gia đình sống gần ao hồ, sông, suối nhưng không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy…
Ông Đào Tấn Phước, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Phú Hòa, cho biết: “Trước đây huyện Phú Hòa là một trong những địa phương nổi cộm về trẻ em đuối nước. Nhưng gần đây, tỉ lệ này giảm rất nhiều. Đó là nhờ sự phối hợp giữa xã hội, nhà trường và gia đình trong việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: tập huấn phòng chống tai nạn đuối nước ở những nơi có nguy cơ, phát động phong trào ký cam kết xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn với các hội, đoàn thể và từng hộ gia đình”.
Tổ chức các trò chơi lành mạnh sẽ giúp trẻ phát triển cả thể chất và tinh thần. - Ảnh: T.THẢO
Theo bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh - Xã hội Phú Yên, hầu hết trẻ bị nạn đều chưa được dạy bơi. Những năm gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em ở mức báo động. Bên cạnh thực hiện các mô hình về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, Phú Yên đang triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2015 và Chính sách quốc gia phòng chống tai nạn thương tích giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích nhằm giảm thiểu số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích và đuối nước, hướng tới xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em sống và phát triển toàn diện.
Còn theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, có bốn giải pháp cần tập trung thực hiện là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước; thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn; thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước; phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em để các em có thể tự cứu mình, cứu bạn trong những trường hợp không may khi đang ở dưới nước. Khi biết bơi, nguy cơ bị chết đuối sẽ ít xảy ra hơn với các em. Bên cạnh đó, việc rào ao hồ, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu nước trong gia đình, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm rào chắn bảo vệ cho những ngôi nhà có trẻ nhỏ xây ở gần ao hồ... là những công việc quan trọng cần phải thực hiện.
PHẠM THÙY