Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên tổ chức thi tìm hiểu về DS-KHHGĐ cho tuổi vị thành niên ở TX Sông Cầu - Ảnh: T.THẢO |
CHỈ VÌ THIẾU HIỂU BIẾT
Việc thiếu niên mang thai dẫn đến những mặc cảm xấu hổ, sợ hãi, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống và rất căng thẳng khi phải báo tin này cho cha mẹ. Nhiều em quá xấu hổ để tìm sự giúp đỡ, dù là nơi người thân, nên làm những chuyện dại dột, như kết liễu đời mình.
Ở tuổi này, tuy các em đã biết được một số kiến thức về đời sống tình dục từ học đường hay trong gia đình nhưng chưa hoàn toàn thấu hiểu hết những thực tại về thai nghén. Vì vậy, khi lâm vào tình cảnh này, các em rất hoang mang, sợ hãi, không biết cuộc sống của mình sẽ như thế nào với sự ra đời của một hài nhi. Tiếp tục duy trì hay chấm dứt việc mang thai là một quyết định rất khó khăn đối với các em ở tuổi mới lớn.
Chính trong giai đoạn này, nhân cách của các em đang được hình thành. Khi bước vào tuổi dậy thì, các em có những chuyển biến lớn về tâm lý, thường hoang mang về thể xác, muốn tìm tòi, khám phá về giới tính của mình và của những người khác giới. Các em thường có những đặc tính chung như hay tò mò, dễ bị ảnh hưởng của bạn đồng lứa về vấn đề tình dục, thiếu sự hiểu biết về thụ thai và chưa có nhận thức về việc sinh sản cũng như tránh thai.
NGUYCƠ TỪ VIỆC MANG THAI NGOÀI Ý MUỐN
Việc mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người mẹ trẻ vì cơ thể của các em chưa phát triển đầy đủ. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho biết, các em gái ở tuổi vị thành niên khi mang thai thường có nguy cơ sinh non cao đến 93% so với phụ nữ đã trưởng thành. Tỉ lệ tử vong của trẻ em sinh ra do các bà mẹ vị thành niên cũng cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Các em cần phải đến gặp bác sĩ để được khám, chăm sóc, được chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt chu kỳ thai nghén, sinh nở và nuôi con. Khi vị thành niên mang thai, việc học hành bị gián đoạn và các em thường gặp những khó khăn về kinh tế. Gia đình và người thân khó mà tha thứ nên các em vị thành niên bị bế tắc trong cuộc sống.
Do mặc cảm, xấu hổ và không tìm được một giải pháp thích ứng cho hoàn cảnh, vị thành niên thường lén lút tìm đến những dịch vụ phá thai không an toàn. Những thủ thuật phá thai thường gây ra nhiều tai biến, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng. Có nhiều em sau khi phá thai đã bị dằn vặt với mặc cảm tội lỗi vì đã hủy đi một sự sống. Những ảnh hưởng về tâm lý sau khi phá thai có thể rất nặng nề và kéo dài suốt cuộc đời của các em.
ÐỂ TRẺ VỊ THÀNH NIÊN SỐNG LÀNH MẠNH
Các nghiên cứu cho thấy rằng sự thiếu hiểu biết của tuổi vị thành niên về quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử trước hôn nhân và đặc biệt là sự kém hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một trong những yếu tố dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Thêm vào đó, với việc đi học cùng nhau, những cuộc họp mặt, những hò hẹn cuối tuần..., các em sẽ dễ bị kích thích bởi nhu cầu tình dục. Vì vậy, nếu không được chuẩn bị, không được dạy dỗ một cách đúng mức và có phương pháp khi bước vào tuổi dậy thì, các em sẽ làm theo những đòi hỏi bản năng.
Ở nhiều trường học hiện nay, hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về giáo dục giới tính còn rất hạn chế. Ngành Dân số bấy lâu chỉ tập trung vào việc giảm sinh mà chưa quan tâm nhiều đến lứa tuổi vị thành niên. Theo kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt
Do đó, các bậc phụ huynh phải mạnh dạn nói chuyện với con về vấn đề này. Mục đích của việc giáo huấn này không chỉ là giúp trang bị kiến thức về giới tính và tình dục, mà quan trọng hơn là xây dựng những quan niệm đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của người nam, người nữ trưởng thành trong cuộc sống vợ chồng, trong gia đình và trong xã hội. Ngoài ra, các chuyên gia chăm sóc SKSS còn phải cảnh báo và giúp cho các em ở tuổi vị thành niên phòng ngừa việc có thai.
Chi cục Dân số - KHHGĐ Phú Yên đang xây dựng các đề án như tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên. Đồng thời, chi cục thành lập 22 câu lạc bộ Cha mẹ với SKSS vị thành niên, thanh niên, đặt các tủ sách với những tài liệu liên quan đến sức khỏe tình dục tại cộng đồng... nhằm hỗ trợ những kỹ năng sống cho các em, giúp các em đối mặt với những vấn đề của mình, biết lựa chọn những giải pháp phù hợp và lớn lên trong sự lành mạnh. Vì thế, những lúc bế tắc, các em có thể liên hệ với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh để có những địa chỉ giúp đỡ cần thiết từ tư vấn đến y tế, thuốc men...
Thạc sĩ ĐỖ THỊ NHƯ MAI
Phó Chi cục trưởng Chi Cục Dân số - KHHGĐ Phú Yên