Trưa hôm ấy, nhiều người dân lắc đầu khi phải chứng kiến nạn kẹt xe. Bởi vì, có một đám tang dài dằng dặc những người và xe di chuyển chậm rì và đội siêu thỉnh thoảng dừng lại để múa nên gây ra ùn tắc giao thông ở ngã ba gần trung tâm thành phố.
Trời hè đứng bóng, dưới cái nắng như đổ lửa, xe lớn xe nhỏ xếp hàng dài, mùi xăng bốc lên váng vất rất khó chịu. Một người ngồi trên xe máy bực bội chép miệng: “Chính phủ đã có chủ trương tổ chức ma chay, cưới hỏi theo nếp sống văn minh, sao lại có nhà không thực hiện?”. Lâu nay, theo phong tục của người Việt Nam, nhà nào có tang cũng phải thực hiện những nghi lễ truyền thống để tiễn người đã khuất về cõi vĩnh hằng, trong đó có việc đưa tang. Vì vậy, những hộ dân sống ven đường thường phải lấn chiếm lòng, lề đường để có thêm không gian tổ chức tang lễ cho bài bản, cũng là việc ngoài ý muốn. Tuy nhiên, tại nhiều thành phố, trong đó có Tuy Hòa, nhiều gia chủ khi đưa tang lại không chú ý là nhà mình đang vô tình gây ra tắc nghẽn giao thông mà cảnh nói trên là một ví dụ.
Ngày 12/1/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Hơn 10 năm qua, các cơ quan hữu trách, các ngành, các cấp, trong đó có Mặt trận và các đoàn thể, đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực thực hiện chỉ thị, nhất là vận dụng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mà chuyện ảnh hưởng trật tự giao thông công cộng do đưa tang xảy ra ở các thành phố là một minh chứng dễ thấy. Nên chăng, trong các cuộc họp, sinh hoạt ở tổ dân phố, khu phố, cán bộ chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần lưu ý vấn đề này với các hộ dân để không gây phiền toái cho cộng đồng. Cán bộ chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể ở cơ sở không chỉ đến phối hợp tổ chức, chia buồn với gia đình có tang mà quan trọng hơn, cần “tư vấn” để gia chủ tổ chức việc tang nhà mình sao cho thật văn minh, tiết kiệm như Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị. Cần tránh suy nghĩ: “Thôi cho qua, nghĩa tử là nghĩa tận, cả đời ai chẳng một lần!” khi đi viếng những đám tang như vậy…
TÂN LÂM