Tương thân tương ái cùng giúp nhau vượt qua lúc hoạn nạn, khó khăn là những việc làm đầy ý nghĩa mà những hội viên phụ nữ Phú Yên dành cho nhau trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hũ gạo tiết kiệm của Hội LHPN xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa). - Ảnh N.DUNG
Từ một hộ nghèo nằm trong diện Hội Phụ nữ xã và địa phương phải quan tâm trợ giúp thường xuyên, đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Phúc Tiến ở thôn Hội Tín (xã An Thạch, huyện Tuy An) đã có cuộc sống ổn định. Chị Tiến thổ lộ: “Nếu không có Hội Phụ nữ, không có chị Oanh giúp đỡ, gia đình tôi không thể vượt qua cuộc sống khó khăn”. Chị Trần Thị Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã An Thạch cho hay: “Xuất phát từ thực tế còn nhiều người dân trên địa bàn có cuộc sống khó khăn, bên cạnh các chương trình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN xã còn triển khai các mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, “ Ổ bịp tiết kiệm”, “Quỹ lúa tiết kiệm”... kịp thời giúp cho các chị em gặp cảnh không may vượt qua lúc ngặt nghèo”.
Cũng với tinh thần đó, Hội LHPN xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) cũng đã triển khai xây dựng hai mô hình “ Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”. Chị Cao Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà cho biết: “Thời gian đầu chỉ có 29 gia đình cán bộ, hội viên ở thôn Suối Cau tham gia, với tổng số gạo thu được 30kg và 1,9 triệu đồng. Lâu dần, nhận thức được ý nghĩa của việc làm tốt đẹp này, đến nay 6 chi hội khác ở các thôn Mặc Hàn, Thạnh Hội, Ngân Điền… cũng đã hưởng ứng mạnh mẽ. Đến nay đã có gần 150 chị tham gia và đã giúp gạo, tiền cho hàng chục gia đình nghèo khó, người già neo đơn, trẻ em mồ côi…”.
Từ suy nghĩ học và làm theo gương Bác phải xuất phát từ những việc làm thiết thực trong cuộc sống thường nhật, Hội LHPN xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) triển khai mô hình “Hũ gạo tình thương” đến khắp các chi hội phụ nữ ở cơ sở. “Ngoài tuyên truyền cho toàn thể hội viên về ý nghĩa của việc làm nhân đạo này, Hội LHPN xã còn trích kinh phí mua sô nhựa cấp cho mỗi hội viên một chiếc. Mỗi lần nấu cơm, họ sẽ lấy một nắm gạo bỏ vào trong đó, để tiết kiệm giúp đỡ người có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất trong thôn. Từ 10 người tham gia ban đầu, bây giờ đã lên 30 người. Bình quân mỗi chị tiết kiệm được 2kg gạo/tháng. Tuy số tiền và gạo chưa nhiều nhưng đã chia sẻ một phần với những người khốn khó. Thông qua những việc làm đó đã thể hiện tình làng nghĩa xóm, tạo sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng”, chị Đặng Thị Thanh Cao, Chủ tịch Hội LHPN xã phấn khởi chia sẻ.
Thông qua các mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm” phong trào hội viên, phụ nữ tương trợ nhau lúc khó khăn hoạn nạn cũng đã phát triển mạnh mẽ trên khắp địa bàn các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Trol, Ea Bar, Ea Ly, Ea Bia và Sơn Giang của huyện Sông Hinh… Hàng tháng, Hội Phụ nữ các xã này đã tiết kiệm hàng chục ký gạo, hàng trăm nghìn đồng. Số tiền, gạo này đã được trao tận tay cho các gia đình nghèo khó, người già neo đơn không nơi nương tựa... Từ các hoạt động thiết thực này, đông đảo phụ nữ người dân tộc thiểu số cũng tham gia hưởng ứng và ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội.
Với tỉ lệ hộ nghèo chiếm 11,4 % dân số trong toàn xã, đời sống của người dân nói chung và phụ nữ xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) nói riêng gặp không ít khó khăn. Chị Dương Thị Bảy, Chủ tịch Hội LHPN xã cho hay: Bên cạnh việc vận động phụ nữ trong xã thành lập mỗi nhà một hũ gạo tiết kiệm, chúng tôi còn kêu gọi chị em tiết kiệm điện thắp sáng trong giờ cao điểm, tiết kiệm tiền trong chi tiêu hàng ngày và chuyển đổi quyền sở hữu vật dụng trong gia đình cho những gia đình nghèo khó hơn. Đồng thời, Hội còn đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Thông qua phong trào này, 85 chị có điều kiện kinh tế khá trong xã đã trợ giúp cho 35 chị có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 49 triệu đồng, 1.100kg gạo, 1.860kg mía giống, 2 chỉ vàng, 2 heo con và 57 ngày công lao động…
Cũng hướng đến mục đích tập trung nhiều phương thức giúp đỡ cho hội viên phụ nữ nghèo, ngoài việc triển khai mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, Chi hội Phụ nữ thôn Phước Hòa (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) cũng đã triển khai mô hình chuyển đổi quyền sở hữu vật dụng trong gia đình cho người nghèo khó. Thông qua mô hình này đã có 257 chị tham gia quyên góp được 37 bộ sách giáo khoa, 89 bộ quần áo, 1 chiếc xe đạp, 1 cái bàn và nhiều vật dụng khác để ủng hộ cho 134 gia đình phụ nữ nghèo, đơn thân, học sinh dân tộc thiểu số khó khăn… trên địa bàn.
Được biết, nhiều năm nay, từ các mô hình giúp nhau này, các hội viên phụ nữ nghèo đã cảm nhận được tình cảm ấm áp, sẻ chia của cộng đồng. Những câu chuyện nhường cơm sẻ áo ấy đã thể hiện sinh động nhất những gì mà phụ nữ Phú Yên học tập và làm theo gương Bác.
THỦY VĂN