Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn được triển khai 5 năm qua ở Phú Yên đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho đồng bào xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa). - Ảnh: K.LIÊN
TUYÊN TRUYỀN BẰNG NHIỀU HÌNH THỨC
Ông Huỳnh Xuân, Giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên cho biết: “Công tác PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, thị trấn theo chương trình hành động quốc gia đã được các phòng, ban, đoàn thể các huyện cũng như hội đồng PBGDPL các cấp thực hiện khá nghiêm túc. Mỗi cơ quan, đơn vị đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình và đã khẩn trương triển khai”.
Đến nay, chương trình đã mang lại những hiệu quả nhất định như: đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cụm truyền thanh ở xã, trang bị đủ các loại tài liệu cho các xã. 100% xã, thị trấn trên địa bàn các huyện được trang bị tủ sách pháp luật; các tổ hòa giải được trang bị túi sách pháp luật với các tình huống pháp luật được giải đáp cụ thể, có thể vận dụng để thực hiện công tác hòa giải trên các lĩnh vực dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình và phòng chống tội phạm. Các nội dung thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được truyền tải thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở. Quá trình thực hiện đề án cho thấy các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở thực sự trở thành cầu nối quan trọng không thể thiếu trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống.
Phong trào vận động nhân dân chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư nhận được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Ông Bùi Văn Chót, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sơn Hòa cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân ký cam kết không vi phạm pháp luật, nêu gương tốt trong chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện được thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả khả quan”. Các nội dung thực hiện, chấp hành pháp luật được cụ thể hóa thành các tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Mí Duyên ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) nói: “Khi nghe cán bộ Phòng Tư pháp huyện tuyên truyền về pháp luật, tôi mới có cơ hội hiểu thêm thế nào là làm đúng theo pháp luật, chứ lâu nay chúng tôi hay làm theo lệ làng”. Còn La Mo Thịnh ở thôn 6 (xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân), nghe tin có cán bộ tư vấn pháp luật về thôn, liền bỏ một buổi lên rẫy để đến nghe. Anh cho biết: “Suốt ngày hai vợ chồng cứ lên rẫy, không có thời gian tìm hiểu pháp luật nên hễ có buổi họp nào là tôi tham gia. Có vậy, tôi mới hiểu được Nhà nước đang có chủ trương gì mới hỗ trợ cho bà con”. Nhờ tham gia các buổi tuyên truyền, học hỏi cách làm ăn mới và tiếp cận được các nguồn vốn vay, đến nay gia đình La Mo Thịnh đã khấm khá hơn trước, con cái học hành đàng hoàng.
Ông Huỳnh Xuân cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý miễn phí định kỳ cho nhân dân ở cơ sở, trong đó quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều xã của huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh…”. Hoạt động này đã tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ngay tại địa phương; giúp nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Qua đó, giảm đáng kể tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần giải quyết được một số vụ việc khiếu kiện kéo dài.
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
Tuy nhiên, hiện nhiều tủ sách pháp luật ở cơ sở chưa được phát huy, người đến nghiên cứu sách chưa nhiều, việc bố trí phòng đọc, nghiên cứu sách còn hạn chế. Việc rà soát các văn bản đã hết hiệu lực thi hành và cập nhật các văn bản mới chưa được thực hiện thường xuyên. Kiến thức pháp luật của một số cán bộ tư pháp cũng còn hạn hẹp nên việc tuyên truyền đôi khi làm cho người dân chưa hiểu. Kinh phí cho công tác này còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng của công tác PBGDPL chưa đạt hiệu quả cao. Theo ông Huỳnh Xuân, trong thời gian đến, để công tác này thật sự hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm tập trung nguồn lực, sự hỗ trợ giữa các cơ quan, đơn vị, bảo đảm hiệu quả.
KIM CHI