Từ thuở xa xưa, buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là đơn vị tổ chức xã hội cao nhất. Từng buôn làng sống theo nếp tự quản. Đây là hình thức tổ chức và quản lý cộng đồng, trong đó già làng có vị trí quan trọng đặc biệt, quán xuyến đời sống mọi mặt của buôn làng.
Già làng Ma Vin (buôn Thống Nhất, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa). - Ảnh: P.NAM
Sơn Hòa là một huyện miền núi nằm về phía tây tỉnh Phú Yên, với dân số gần 53.000 người, trong đó đồng bào có 3.964 hộ, với 18.290 người gồm 8 dân tộc, chủ yếu là người Ê Đê và Chăm H’Roi. Từ sau ngày miền Nam giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước, đặc biệt từ ngày tái lập tỉnh đến nay, các cấp, các ngành, Mặt trận và đoàn thể từ huyện đến thôn buôn dành sự quan tâm đặc biệt đầu tư xây dựng phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự thay đổi sâu sắc diện mạo miền núi, có sự chung sức, chung lòng của bà con đồng bào DTTS, trong đó quan trọng và tích cực là các già làng, trưởng thôn, buôn và các đồng chí lão thành cách mạng. Ông Bùi Văn Chót, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sơn Hòa, cho biết toàn huyện có 220 già làng, có cả đàn ông và phụ nữ, sinh hoạt ở 19 câu lạc bộ thuộc các xã có đồng bào DTTS sinh sống. Họ là những người có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, giàu kinh nghiệm, nên được bà con trong các buôn làng kính trọng.
Trong xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở huyện Sơn Hòa đã xuất hiện nhiều già làng tiêu biểu như: Ma Gia (Ea Chà Rang); Mí Nung (Suối Trai); Ma Y (Phước Tân); A Ma Liên (Cà Lúi); Oi Nhít (Krông Pa); Ma Tình (Sơn Hội); Ma Tam (Sơn Phước); Ma Tịnh (Sơn Định)... Cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, già làng tích cực vận động, khuyên bảo bà con chăm chỉ làm ăn xóa đói, giảm nghèo, không để con cái thất học, mù chữ dễ bị kẻ xấu lợi dụng; vận động bà con giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình như bảo tồn các loại cồng, chiêng, aráp, các lễ hội văn hóa, nghề dệt thổ cẩm... Trên cương vị của mình, già làng còn nhắc nhở mọi người giữ gìn các công trình công cộng, chủ trì các lễ hội cúng làng, bến nước, cúng đất, mừng năm mới, hội hè và tham gia hòa giải, xét, xử phạt những người vi phạm tập tục tốt đẹp của buôn làng, vi phạm hương ước ở khu dân cư... Bằng kinh nghiệm của mình, các già làng sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết, mình hiểu bất cứ thời gian nào. Qua công tác vận động, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình trong cuộc sống hàng ngày, chính các già làng vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho mọi người hiểu rằng mình có được cuộc sống sung túc, no đủ như ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước.
Là địa bàn xa nhất của huyện Sơn Hòa, xã Phước Tân nằm giáp ranh với xã Đất Bằng, huyện
Hiện nay, huyện Sơn Hòa có 24/74 khu dân cư vùng đồng bào DTTS giữ vững nhiều năm liền danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Nếu như năm 2006 các xã vùng đồng bào DTTS còn hơn 2.100 hộ nghèo, thì đến cuối năm 2010 giảm xuống còn 1.500 hộ và 40% số hộ đạt mức bình quân thu nhập đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm 2006.
Bà con ở các buôn làng ai cũng thầm biết ơn những già làng và già làng thật sự là con chim đầu đàn hướng dẫn bà con làm theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, giúp nhau vỡ hóa khai hoang, trồng lúa nước, dạy bảo thế hệ trẻ chăm lo việc học hành, từng bước tiếp nối thế hệ cha anh bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
TRẦN LÊ KHA