Hoạt động mua bán gia cầm vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ - Ảnh: Chí Thạnh
Thành phố Tuy Hoà không thể thành lập điểm giết mổ tập trung tại chợ trung tâm trong tháng 11 này, vì đến nay vẫn chưa tìm được phương án khả thi. Địa điểm được thảo luận đặt điểm giết mổ là một khu vực thuộc tuyến Lê Lai, nhưng lại bị sự phản đối của nhiều hộ dân cư tại đây. Ông Nguyễn Văn Đồng, BQL chợ trung tâm thành phố Tuy Hoà, cho biết: Các ngành và chợ trung tâm vẫn chưa triển khai công tác này. Đến nay, chỉ có cuộc họp giữa BQL chợ và ngành thú y, nhưng đó là trước khi triển khai kế hoạch của tỉnh nên cuộc họp vẫn không có việc gì cụ thể được vạch ra. Theo bà Nguyễn Thị Mùi, Phòng Kinh tế thành phố Tuy Hoà: Phòng Kinh tế đang chuẩn bị kế hoạch phòng, chống dịch theo kế hoạch của tỉnh. Thành phố sẽ thành lập Ban phòng chống dịch tại các xã, phường có số lượng gia cầm được chăn nuôi lớn như phường 9, phường Phú Lâm và các xã Bình Kiến, Hoà Kiến, Bình Ngọc, An Phú. Tuy nhiên, việc bố trí các điểm giết mổ đang gặp khó, trong khi đó, việc cấm buôn bán và giết mổ tràn lan cũng không dễ bởi chưa có các quy định chế tài nào trong khi đây là nghề ít vốn, ít lãi, người dân chỉ thu được tiền công hằng ngày và rất dễ tái diễn khi không có sự kiểm soát. Hiện tại ngành thú y chỉ triển khai phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần tại các điểm này và việc mua bán, giết mổ tràn lan tại các chợ vẫn diễn ra bình thường. Bà Mùi cho biết, chỉ chợ Tân Hiệp là có một điểm rất thuận lợi cho việc bố trí giết mổ gia cầm tập trung, có cả hệ thống thoát nước hợp lý. Nếu tổ chức được các điểm giết mổ tập trung thì việc vận chuyển từ bên ngoài vào cũng cần xem xét kỹ. Kế hoạch từ nay đến 30-12, các phường nội thành từ phường 1 đến phường 8 phải tiêu thụ hết gia cầm, không được tiếp tục chăn nuôi. Hiện nay, tại các xã, phường, Phòng Kinh tế đã chuẩn bị lực lượng thú y để huy động khi triển khai. Trước đây, lực lượng này được hỗ trợ 100.000 đồng/tháng; riêng phường Phú Lâm có tới 2 cán bộ thú y túc trực.
UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ kinh phí hợp đồng với cán bộ thú y cơ sở trong đợt phòng, chống dịch cúm gia cầm này. Theo bà Hà Thị Sương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT – Phó trưởng BCĐ phòng, chống dịch cúm gia cầm Phú Yên, là ngành nông nghiệp đã đề nghị hỗ trợ cho cán bộ thú y cơ sở 350.000 đồng/tháng, nhưng mức mà UBND tỉnh đưa ra chỉ có 150.000 đồng. Theo bà Sương, số này không đủ chi phí xăng xe đi lại nên rất khó thực hiện. Được biết, theo kế hoạch bố trí kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm mới đây của Chính phủ, Phú Yên nằm trong số các tỉnh được hỗ trợ 70%.
Tại Phú Yên, các huyện có vùng giáp ranh với các tỉnh ngoài cũng chỉ tổ chức… họp triển khai kế hoạch trong tuần này (huyện Sông Hinh chiều 22-11; huyện Sơn Hoà là ngày 24-11…, chưa có địa phương nào xây dựng chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ, thuỷ tại các vùng giáp ranh. Ông Phan Khánh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tuy Hoà, cho rằng kế hoạch lập được các điểm giết mổ tập trung tại các chợ trước 30-11 của tỉnh sẽ không thực hiện được kịp thời.
Với đà triển khai tại các huyện thì nếu xảy ra dịch, việc bùng phát lớn rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là công việc phòng dịch phải được chỉ đạo cấp tốc, sâu sát, tránh lơ là phải tiến hành song song với việc nhanh chóng giải quyết những vướng mắc nêu trên.
LY KHA – QUỐC HƯNG