Trung tuần tháng 11, chúng tôi đến Cơ sở Giáo dục A1, Cục V26 – Bộ Công an đúng vào ngày khai giảng lớp xóa mù do đơn vị này tổ chức. Trong căn phòng rộng hơn 50 m2, 48 trại viên của lớp học, người nhỏ nhất khoảng 18 tuổi và người lớn nhất trên dưới 40, đang ê a đánh vần, nắn nót viết từng nét chữ đầu tiên dưới sự hướng dẫn của các quản giáo và thầy giáo ở Trường tiểu học Hòa Phú (huyện Tây Hòa). Đại úy Võ Văn Dinh, Đội phó Đội Giáo dục, người đã có gần 20 năm gắn bó với trại cho biết: Khi mới bước chân vào trại hầu hết trại viên đều có trình độ văn hóa rất thấp, trong đó một phần ba thuộc diện mù chữ. Đa số trại viên đều có hoàn cảnh éo le, bố mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ, lang thang, không nghề nghiệp ổn định. Chính vì thế Ban giám đốc Trại A1 và những cán bộ quản giáo ở đây rất quan tâm đến công tác dạy văn hóa cho trại viên.
Đại úy Võ Văn Dinh, cán bộ trại A1, hướng dẫn cho trại viên học chữ - Ảnh: Kim Phượng
Y Thư, sinh năm 1975, quê ở Đắc Lắc, vào trại tháng 8 năm 2002 cũng không biết chữ. Hàng ngày cầm bút nắn nót viết từng nét chữ đối với Y Thư còn khó hơn việc cầm cái cày, cái cuốc. Bao lần Y Thư chán nản định bỏ học. Bằng tình thương và tinh thần trách nhiệm các cán bộ quản giáo ở đây đã kiên trì thuyết phục, giúp đỡ Y Thư học viết cái chữ. Sau hơn 9 tháng kiên trì, Y Thư đã biết đọc, biết viết, tự tay viết thư về thăm gia đình. Ngày ra trại, Y Thư xúc động nói: “Khi vào trại, em chưa biết chữ, chưa hiểu được pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian ở trại, em được cán bộ quản giáo chỉ bảo tận tình, học được nghề, học cái chữ. Em biết ơn cán bộ quản giáo nhiều, nhiều lắm!”
Trường hợp của trại viên Trần Bá Lực, quê ở Lâm Đồng cũng thật đáng thương. Bố mẹ ly hôn, từ nhỏ Lực đã sống với ông bà nội. Khi ông bà qua đời, Lực rơi vào cô đơn, không nơi nương tựa. Hàng ngày Lực phải bốc vác cá ở chợ Bảo Lộc kiếm sống qua ngày. Vì thiếu sự giáo dục, dạy dỗ của người thân, buồn chuyện gia đình, Lực đã bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, vi phạm gây rối trật tự công cộng. Khi vào trại, Lực cũng chưa biết chữ. Được cán bộ quản giáo cho học lớp văn hóa xóa mù, Lực quyết tâm học tốt để làm lại cuộc đời. Sau một thời gian miệt mài học tập, giờ đây Trần Bá Lực đã đọc thông, viết thạo, đã tự tay viết thư cho bạn bè. Lực không giấu xúc động: “Chỉ còn 7 tháng nữa là em được ra trại, em sẽ trở về nhà chăm chỉ lao động, nuôi sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, không bao giờ tái phạm nữa”.
Thượng tá Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Cơ sở Giáo dục A1 cho biết: “Dạy văn hóa là một trong những công tác hàng đầu của công tác giáo dục ở trại bởi có nâng cao trình độ văn hóa cho trại viên thì mới giúp cho họ nâng cao nhận thức, hiểu và chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó có ý thức cải tạo tốt hơn. Chính vì vậy trại đã trang bị sách, vở, bút mực và các đồ dùng học tập cho trại viên, đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục huyện Tây Hòa tổ chức thi, cấp chứng nhận cho trại viên sau mỗi kỳ học”.
HỒNG NHUNG