Thứ Năm, 10/10/2024 07:18 SA
Ứng phó biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến lâm nghiệp
Thứ Sáu, 19/11/2010 18:00 CH

Ở Phú Yên, gần đây nhất,  cơn bão số 11 năm 2009 đã làm hư hỏng nhiều công trình lâm sinh, thiệt hại khoảng 112 tỉ đồng; làm gãy đổ nhiều héc ta rừng trồng, rừng tự nhiên, gây thiệt hại 105,5 tỉ đồng.

 

Chay-rung101119.jpg

Cháy rừng ở xã Sơn Giang, huyện  Sông Hinh - Ảnh: N.CHUNG

 

Vì vậy khi đánh giá biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thiệt hại cần phải có kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện tượng hạn hán kéo dài xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng, tiến độ trồng rừng hàng năm, gây cháy rừng, sâu bệnh phát triển mạnh gây hại cây giống trong vườn ươm và rừng trồng... hoặc với việc nước biển dâng làm giảm diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đây là khu vực tập trung dân cư, diện tích ít nên khó có điều kiện mở rộng diện tích để khôi phục lại các dải rừng… Do đó, hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… sẽ làm gia tăng sạt lở đất, tăng cường độ gió và cát bay, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất.

 

Thời gian qua, ngành Lâm nghiệp đã có nhiều nỗ lực vừa hạn chế khai thác rừng tự nhiên, vừa tăng diện tích rừng trồng nhưng độ che phủ của rừng vẫn chưa đảm bảo mức độ như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân, song vấn đề cốt lõi là lao động lâm nghiệp thu nhập không cao so với các thu nhập từ việc trồng mía, sắn, các cây nông, công nghiệp ngắn ngày khác. Do vậy, việc phá rừng làm rẫy, chuyển dịch lao động sang lĩnh vực nông nghiệp hoặc công nghiệp dịch vụ ở khu vực thành thị, khu công nghiệp đã diễn ra nhiều năm nay, ảnh hưởng mang tính vĩ mô đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, Phú Yên cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đây là nhiệm vụ của toàn dân với sự chủ động tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể. Tiếp tục tuyên truyền về chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân sống gần rừng, bên cạnh khuyến khích không sử dụng chất đốt từ gỗ tự nhiên, sử dụng nguyên liệu gỗ không có nguồn gốc; chuyển đổi các phương thức canh tác bằng hình thức đốt nương làm rẫy sang thâm canh, chuyển đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt; đa dạng các hình thức tái tạo rừng kết hợp phát triển lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng, kêu gọi đầu tư lĩnh vực chế biến có sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng.

 

Đảm bảo môi trường nhưng thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần có chính sách đầu tư phát triển rừng hợp lý trên cơ sở ổn định diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng; hỗ trợ phát triển rừng sản xuất. Rà soát quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cho giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 trên cơ sở quy hoạch hiện có về rừng đặc dụng, ổn định quy mô rừng phòng hộ. Quy hoạch lâm nghiệp gắn liền với quy hoạch các lưu vực sông, ngoài việc bảo đảm độ che phủ còn phải bổ sung các hệ thống công trình điều tiết lũ, chống hạn; các hệ thống canh tác hợp lý; các địa phương cùng lưu vực cần thống nhất việc xác định về hệ thống canh tác và sử dụng nguồn nước có hiệu quả ở các lưu vực sông; cân đối hiệu quả sử dụng đất trên toàn lưu vực. Ngoài ra, đầu tư các hồ đập nhỏ là giải pháp công trình bổ sung để điều tiết nước hợp lý.

 

Giải pháp đầu tư bảo vệ và phát triển rừng hiện tại và trong tương lai vẫn ưu tiên bảo vệ rừng hiện còn, tăng cường phát triển trồng rừng mới. Ngoài việc tiếp tục sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA cho bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn thì tiếp tục triển khai tốt việc huy động các nguồn lực để phát triển rừng sản xuất. Tuyên truyền chính sách bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn việc khai thác rừng kinh tế hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa ổn định độ che phủ của rừng. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư phát triển rừng sản xuất và khuyến khích phát triển rừng phòng hộ theo quy chế quản lý rừng bên cạnh tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện theo đúng quy định về đối tượng đất lâm nghiệp được phép trồng rừng, biện pháp kỹ thuật xử lý thực bì để trồng rừng, loài cây trồng.

 

Hoạt động quản lý bảo vệ rừng cần tăng cường ở cấp địa phương để hạn chế tối đa việc phá rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép dẫn đến suy giảm tài nguyên rừng, sử dụng đất lâm nghiệp không hợp lý góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống nhân dân. Dải rừng phòng hộ hiện đang phát huy tác dụng tốt nhưng cũng đã chuyển mục đích một phần sang các công trình khác, vì vậy, cần tính toán lại cho phù hợp. Nếu sử dụng không hợp lý dải rừng phòng hộ ven biển sẽ có một số tác động có hại. Nuôi tôm cao triều nên có giải pháp đảm bảo, riêng việc không xử lý tốt về mặt môi trường thì nước mặn ngấm vào lòng đất sẽ tốn nhiều chi phí cải tạo lại hoặc mất rất nhiều năm để quá trình rửa mặn tự nhiên mới có khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu.

 

PHẠM NGỌC MINH

Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek