Thứ Năm, 10/10/2024 17:23 CH
“Vịn” yêu thương bước tiếp
Thứ Ba, 16/11/2010 16:00 CH

Cha mẹ nào cũng mong con cái khỏe mạnh, lành lặn, nhưng niềm mong ước ấy không phải lúc nào cũng trở thành hiện thực. Trong những trường hợp không may ấy, chỉ có tình thương yêu vô bờ mới giúp họ vượt qua nghịch cảnh.

 

me-con-chi-Man101116.jpg

Chị Mận hướng dẫn bé Đại viết chữ. - Ảnh: N.DUNG

 

Lúc mới sinh ra, cậu bé Đại rất bụ bẫm, vợ chồng chị Lê Thị Mận và anh Nguyễn Thi ở tổ 10, khu phố Trường Chinh, phường 7 (TP Tuy Hòa) rất hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc đó kéo dài không bao lâu, thì những buồn đau lại vây bủa đôi vợ chồng nghèo.

 

Hơn 5 tháng sau, Đại bệnh cảm nặng. Vợ chồng chị Mận đưa thằng bé đi điều trị, mới “tá hỏa” khi biết con mình mắc chứng bệnh Dow. Vợ chồng chị Mận đau đớn, bàng hoàng suốt một thời gian dài, bỏ cả công ăn việc làm, bồng con chạy chữa khắp nơi, nhưng bệnh tình của bé Đại vẫn không tiến triển. Hơn 11 năm nay, vợ chồng chị Mận quen với những phát âm lơ lớ, với những cử chỉ ngô nghê, chậm chạp của con trai. Anh Thi bảo: “Đứa con mình rứt ruột đẻ ra, nên thương lắm. Khi nó không được bình thường như những đứa trẻ khác tôi càng thương hơn”. Trong bốn người con của anh chỉ có cô con gái đầu và cậu con trai út là bình thường, còn cô con gái thứ hai đang học lớp 11 ở Trường THPT Nguyễn Trãi cũng bị hở hàm ếch, dù đã được đưa đi phẫu thuật một lần nhưng hiện thời phát âm vẫn chưa tròn vành rõ chữ. Điều đáng nói là dù bị khuyết tật bẩm sinh nhưng Đại và chị gái vẫn không được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của Nhà nước.

 

Hôm chúng tôi đến thăm Đại, chị Mận khoe: “Hơn hai tháng nay, vợ chồng tôi đưa thằng bé đi học ở Trường Niềm Vui, để tạo điều kiện cho Đại giao lưu với bạn bè cùng trang lứa. Đáng mừng là Đại tự ăn uống, tự sinh hoạt mà không phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Tất cả những “tiến bộ” ấy của Đại là nhờ vào tình thương yêu của các thầy cô cộng với sự hướng dẫn tập luyện đầy kiên trì của người thân trong gia đình”.  

 

Hiện tại, hoàn cảnh gia đình chị Mận hết sức khó khăn. Chị Mận người gầy nhom, mắc chứng bệnh viêm xoang nên nay ốm mai đau, còn anh Thi lại mắc chứng bệnh hen. Nguồn thu nhập chính của gia đình họ là quán cà phê vỉa hè nằm bên cạnh Ngân hàng Công thương Phú Yên. Thời còn khỏe mạnh, hàng ngày, anh Thi còn đạp xích lô để góp phần cải thiện kinh tế cho cả nhà. Còn bây giờ, sức khỏe mỗi ngày một yếu, lâu lâu anh mới làm một “cuốc” ba gác kiếm 20.000-30.000 đồng/ngày, cộng với số tiền khoảng 50.000 đồng, mà vợ chồng kiếm được hàng ngày từ quán cà phê. Số tiền nhỏ nhoi này chẳng khác nào “hạt muối bỏ bể” nếu so với các khoản chi phí sinh hoạt cho cả nhà.

 

Trong câu chuyện những người cha người mẹ không may sinh con bị khuyết tật khiến chúng tôi  nhớ đến vợ chồng ông Vũ Tâm Hùng ở thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) và cậu con trai bị khiếm thị Vũ Tuấn Phong. Chất độc da cam đã “thấm” vào cơ thể của người lính Vũ Tâm Hùng trong những năm tháng lăn lộn ở chiến trường ác liệt và để lại di chứng nghiệt ngã cho người con trai, khiến Phong bị mù từ khi mới lọt lòng. Những tháng ngày nhìn con quờ quạng trong bóng tối, vợ chồng ông nghe lòng mình quặn thắt. Phong không nhìn thấy được, nên vợ chồng ông luôn sắp xếp các vật dụng trong nhà gọn gàng, để làm sao tránh cho Phong ít bị va phải đồ đạc gây “sứt đầu, mẻ trán”.

 

22 năm nay, Phong luôn sống trong thế giới bóng tối, nhưng Phong luôn sống lạc quan. Điều đáng nói, tinh thần lạc quan, vững chãi của Phong có được là nhờ được truyền “lửa” từ người cha. Ông Hùng luôn nói với con trai rằng sự có mặt của con (dù không trọn vẹn) cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình. Chính tình thương này đã tiếp sức cho Phong rất nhiều trong hành trình vượt qua bóng tối của sự tự ti, mặc cảm. Phong tự nhủ: “Dù sao, mình cũng còn may mắn. Tuy hai mắt không nhìn thấy, nhưng tai mình vẫn nghe, tay mình vẫn có thể chơi đàn, mình vẫn có thể giao tiếp được với mọi người xung quanh. Hơn nữa, nếu cứ sống trong mặc cảm buồn đau và than thân trách phận, hai mắt cũng không thể sáng được”. Bà Liệt, mẹ Phong thổ lộ: “Tuy không nhìn thấy, nhưng thằng Phong được cái lanh mồm lanh miệng, hay nói cười, tính tình lại hiền lành nên được nhiều người thương”.

 

Phong nói: “Ba em thổi sáo rất hay. Ba dạy em cách thổi sáo, chủ yếu là muốn cho em vui. Cũng từ đó em thích thổi sáo và chơi đàn. Nhờ sự kiên trì tập luyện cùng với ý chí không ngại khó khổ mà hiện tại Phong có thể chơi được đàn organ, thổi sáo và kèn ắcmônica thành thạo”.

 

Nhìn đôi tay Phong lướt trên phím đàn một cách thuần thục, chúng tôi không nghĩ rằng Phong bị mù. Ở đó, Phong và tiếng đàn như hòa làm một. Ở đó, hầu như không có sự hiện hữu của bóng tối và nỗi buồn mà chỉ có niềm tin và sự lạc quan của người thanh niên không đầu hàng số phận.

 

NGỌC DUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek