Thứ Sáu, 11/10/2024 09:20 SA
Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại
Thứ Ba, 09/11/2010 17:10 CH

Mưa trong những ngày qua tiếp tục gây thiệt hại nhiều địa phương trong tỉnh. Bên cạnh việc khắc phục hậu quả do đợi lũ trước, các địa phương tiếp tục phòng ngừa thiệt hại do đợi mưa lũ trong những ngày qua.

 

mualu-2-101109.jpg

Nhiều đoạn đường bị nứt. - Ảnh: P.NAM

 

Huyện  Sơn Hòa: Tuyến đường ĐT 646 từ Củng Sơn đến xã Phước Tân bị chia cắt.

 

Trong  những ngày qua, trên địa bàn huyện Sơn Hòa lại tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng,  làm xói lở nhiều đoạn đường gây ách tắc giao thông. Trong đó tại Đèo Trà Kê (xã Sơn Hội) mưa lớn làm sạt lở vách núi làm đất đá tràn xuống đường trên 2.000m3 với chiều dài hơn 200m. Tuyến đường ĐT 646 tại đoạn Dốc Bà Bèo (xã Phước Tân) cũng bị sạt lở. Tại Buôn Ma Y xã Phước Tân, mưa lũ cũng làm cho cầu Kbon ngập sâu hơn 1m. Hiện, đường ĐT 646 bị chia cắt không thể đi lại được, nhất là một số người bệnh không thể chuyển đến bệnh viện Sơn Hoà để điều trị. Tại xã Phước Tân, các Buôn Ma Y, Ma Hoá, Đá Bàn cũng đều bị chia cắt.

 

mualu-1-101109.jpg

Lực lượng cứu hộ tại huyện Sông Hinh chuẩn bị làm nhiệm vụ - Ảnh: N.CƯỜNG

 

Sông Hinh: Một người mất tích

 

Từ 18gngày 8/11 đến sáng 9/11/2010, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn huyện Sông Hinh đã huy động lực lượng cứu hộ tìm kiếm ông Trịnh Thiện, 52 tuổi (trú tại thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông) bị kẹt giữa dòng Sông Hinh (thuộc khu vực thác Khói, buôn KRông, xã EaBia, huyện Sông Hinh). Do lũ lớn nên lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận được khu vực ông Thiện bị kẹt. Đến 8g30 ngày 9/11, khi thủy điện Sông Hinh đóng nước lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường. Sau hơn 4 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ không tìm thấy ông Trịnh Thiện tại khu vực nói trên. Theo lời kể của ông Lê Văn Quang và Lê Văn Phong – hai người cùng đi chung với ông Trịnh Thiện: Chiều 6/11, ba ông Thiện, Quang và Phong đi làm rấy gần khu vực nói trên. Sau khi xong công việc, cả ba người xuống Sông Hinh câu cá. Do mưa lớn cộng với việc hồ thủy điện Sông Hinh xã lũ nên 3 người đều bị kẹt lại giữa dòng suốt một đêm. Thấy nước càng ngày càng lớn, chiều 8/11, ông Quang và ông Phong liều mình bơi qua sông về, còn ông Thiện ở lại và mất tích luôn cho đến nay.

 

mualu-3-101109.jpg

Cầu Lò Gốm từ khu phố Ngân Sơn (Chí Thạnh) đi xã An Thạch hư hỏng, ngập sâu gần 1,5m, chia cắt giao thông.  - Ảnh: X.HUY

                                                             

Huyện Tuy An: Sụp lún Quốc lộ 1A và sạt lở núi, ách tắc giao thông

 

Từ đêm 8/11 đến sáng 9/11, huyện Tuy An có mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt, chia cắt và cô lập các xã An Định, An Nghiệp, An Cư, An Dân, An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông và thị trấn Chí Thạnh. Đến trưa 9/11, các cầu Lò Gốm, Long Phú, đường Cây Cam đi An Xuân, An Lĩnh còn ngập sâu từ 0,8 - 1,5m; cầu gỗ Bình Thạnh bị nước cuốn trôi, đường đi thôn Thái Long, xã An Lĩnh bị sạt lở núi, đất đá ngổn ngang, giao thông tê liệt. Lúc 6g sáng 9/11, trên QL 1A, tại lý trình 1294 + 820, thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, mặt đường bị sụt lún, ách tắc giao thông nhiều giờ và gây nguy hiểm cho nhà dân. Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên quản lý đường bộ Phú Yên cho biết: "Trước mắt khắc phục tạm thời bằng kè rọ đá và phối hợp với CSTG phân luồng, giải phóng ách tắc, đồng thời đề xuất mở đường về phía núi, đảm bảo lưu thông hai chiều. Dự kiến sẽ hoàn thành thông tuyến trong ngày 10/11".

 

Theo thống kê của UBND huyện Tuy An, mưa lũ nhiều ngày qua đã làm 7 nhà bị sập, trong đó có 3 nhà sập 100%; đường giao thông liên xã qua thôn Phong Thái, xã An Lĩnh bị sạt lở một đoạn dài 30m, có đoạn bị sạt 1/2 đường, chia cắt giao thông; gần 120.000 m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, cuốn trôi; gần gần 5.000m3 đất đá bồi lấp kênh mương thủy lợi; 3 ghe bị chìm, 1 sõng bị trôi ra biển…tổng thiệt hại ước tính gần 16 tỉ đồng. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCH PCLB - TKCN huyện Tuy An cho biết, bên cạnh việc khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện cũng đã chỉ đạo các xã An lĩnh, An Dân tiếp tục theo dõi sạt lở núi, lún đường; nhanh chóng hỗ trợ, di dời dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; cử lực lượng trực 24/24 tại các điểm xung yếu, ngập sâu, nước chảy xiết và nghiêm cấm người qua lại; đẩy nhanh tiến độ khắc phục các công trình trường học, giao thông, thủy lợi, vệ sinh môi trường và sản xuất nông nghiệp.

 

mualu-4-101109.jpg

70 hộ dân ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) chìm trong biển nước. - Ảnh: P.NAM

 

Huyện Tây Hòa: Ước thiệt hại do lũ lụt gần 16 tỉ đồng.

 

Trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to, các hồ Thủy điện tiếp tục xả lũ làm mực nước các sông dâng cao, khả năng sẽ gây lũ lụt lớn. UBND huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cử cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, tham gia cùng địa phương nắm chắc tình hình thiệt hại báo cáo UBND huyện và Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn huyện. Các xã thực hiện các biện pháp khắc phục, nước rút đến đâu tổ chức khắc phục ngay đến đó, chú ý công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch và đề phòng dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

 

Đến nay, tại huyện Tây Hòa có 2 người chết; 3 nhà sập hoàn toàn; hơn 900 nhà và 1.350 giếng bị ngập nước; hơn 1.100m3 bê tông giao thông bị sạt lở, bồi lấp; hơn 21.000m3 đất và 80 m3 bê tông bị sạt lở, bồi lấp, diện tích lúa vụ 12 mất trắng 38 ha, diện tích bị hư 135 ha; 112 ha hoa màu bị hư, 57 ha sắn, 202 ha mía bị ngập, đổ ngã; 22 ha dâu tằm, 20 ha bắp bị đổ ngã. Ước tổng giá trị thiệt hại gần 16 tỉ đồng.

 

Cấp tốc triển khai các biện pháp phòng chống lũ lụt

 

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh Phú Yên vừa có thông báo số 2 yêu cầu các ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN các địa phương, đơn vị và nhân dân tiếp tục triển khai các phương án phòng tránh lũ, ngập lụt; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven sông suối, vùng trũng thấp để bảo vệ và sơ tán dân, thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh; đề phòng nước các sông lên trở lại; tổ chức neo đậu tàu thuyền chắc chắn, chống bừa neo, trôi dạt, đảm bảo an toàn; các đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để phối hợp vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạn chế mức độ ngập lụt hạ du; đưa hàng hóa, thiết bị, vật tư, lương thực, lúa giống… lên cao, đến nơi an toàn; Các đơn vị đang thi công trên các sông, suối, vùng trũng thấp cần sơ tán người và di dời thiết bị, vật tư đến nơi an toàn; bố trí lực lượng ở vùng ngập sâu, nước chảy xiết để bảo vệ dân cư; nghiêm cấm đi lại trong vùng ngập sâu, nước chảy xiết, vớt củi trên các sông suối; không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt; tùy từng địa bàn cụ thể cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù đảm bảo chương trình khi lũ rút; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra; kiểm tra, nắm tình hình ảnh hưởng lũ lụt, nhất là đối với các công trình và kịp thời khắc phục không để hư hỏng thêm; tổ chức trực ban nghiêm túc, không chủ quan lơ là; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, nắm tình hình thiệt hại do lũ lụt gây ra và thường xuyên liên lạc về UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và TKCN tỉnh.

 

PHƯƠNG NAM

 

L.KHA, H.QUẾ, N.CƯỜNG, Đ.QUYÊN, P.NAM, X.HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek