Thứ Sáu, 11/10/2024 09:24 SA
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em:
Không thể thờ ơ
Thứ Ba, 09/11/2010 16:00 CH

Do nhận thức còn hạn chế, do chủ quan nên nhiều phụ huynh để con em đối mặt với những mối nguy hiểm ở sông nước. Điều này lý giải tại sao số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước tăng lên.

 

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2009, toàn tỉnh có đến 33 trẻ chết đuối. Đây là những con số đau lòng.

 

tam-song101109.jpg

Không cho trẻ tắm sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn - Ảnh: T.THẢO

 

TRẺ DỄ ĐUỐI NƯỚC

 

Nghèo đói, trình độ học vấn thấp, thiếu sự giám sát... là yếu tố đưa trẻ em đến với nguy cơ đuối nước. Trong đó, nghèo đói làm tăng nguy cơ một cách gián tiếp: bố mẹ để con ở nhà một mình không có ai trông nom; trẻ em phải lao động và nguy cơ đuối nước sẽ tăng lên khi làm việc gần sông, biển, ao, hồ. Một nguy cơ khác là cơ sở hạ tầng không phù hợp để có thể tiếp cận với các dịch vụ sơ cấp cứu.

 

Tai nạn đuối nước ở trẻ em có thể xảy ra trong các trường hợp: trẻ không biết bơi ngã xuống nước, trẻ bị ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút (vọp bẻ) rồi ngất đi.

 

Người dân cần được trang bị những kiến thức sơ, cấp cứu cơ bản như hô hấp nhân tạo, chống sặc nước. Dạy bơi và tăng cường kỹ năng cho trẻ cũng là cách phòng tránh hữu hiệu. Tỉnh đã thành lập ban điều hành xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên cũng đã xây dựng kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em. Khi trẻ em đi thuyền bắt buộc phải có phao cứu sinh hoặc có người lớn đi kèm. Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Những nơi thường xảy ra tai nạn, cần phải thành lập đội cứu hộ và có các phương tiện cần thiết để cấp cứu. Tích cực tuyên truyền bằng cách in ấn, cấp phát các tờ rơi đến từng hộ gia đình cảnh báo về tai nạn đuối nước. Đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi tắm biển, tắm sông...

 

XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG AN TOÀN CHO TRẺ

 

Khi trẻ em tắm, lội trong điều kiện không an toàn hoặc sống ở những nơi thường bị nước ngập sâu, nguy cơ đuối nước khá cao. Đặc biệt, những vùng nước ngập sâu và chảy xiết như nước lũ lụt lại càng nguy hiểm vì nước có thể cuốn trôi, nhấn chìm bất cứ ai, kể cả người khỏe mạnh và biết bơi. Do đó, người dân sống trong vùng lũ lụt, nhất là trẻ em, cần phải cảnh giác phòng tránh tai nạn đuối nước.

 

Để đảm bảo môi trường an toàn lâu dài, cần có một cộng đồng an toàn cho trẻ. Muốn có một cộng đồng an toàn thì phải xây dựng ngay từ những “tế bào” như gia đình an toàn, trường học an toàn. Cụ thể, giếng cần phải xây bọng cao, bể nước, cống rãnh... phải có nắp đậy. Gia đình không cho trẻ đi câu cá, đi tắm sông suối mà không có sự giám sát của người lớn. Nên đưa môn bơi lội vào chương trình giảng dạy ở trường và hướng dẫn học sinh kỹ thuật sơ cấp cứu để các em biết cách tự cứu sống mình hoặc bạn khác khi bị đuối nước. Đồng thời, phải làm rào chắn kiên cố, cách ly với môi trường nguy hiểm bên ngoài, trang bị tủ thuốc sơ cứu ban đầu, khu vệ sinh phù hợp. Các công trình, đường giao thông, ao hồ, những khu vực trũng nước sâu… phải đặt biển báo nguy hiểm. Cần phát huy vai trò tham gia của trẻ; giáo dục, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình. Cộng đồng nên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, để trẻ em được sống và học tập trong môi trường an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em cho người dân, cán bộ chuyên trách. Xây dựng cộng đồng an toàn được coi là vấn đề trọng tâm trong phòng chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng, vì vậy cần có sự chung tay của toàn xã hội.

 

Những năm gần đây, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Phú Yên đã xây dựng nhiều mô hình điểm về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, xã phường phù hợp với trẻ em ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên 9 huyện, thị xã, thành phố và sẽ tiếp tục duy trì để giảm đến mức thấp nhất tai nạn thương tích ở trẻ em.

 

Cấp cứu khi bị tai nạn đuối nước

 

Cấp cứu ngay ở dưới nước: Nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại. Nhanh chóng quàng tay qua nách hoặc gọi thêm người hỗ trợ đưa nạn nhân vào bờ. Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não, rất khó cứu sống.

 

Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền: Phải hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay. Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân; đặt một khăn mùi xoa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu ngừng tim (sờ mạch không có), phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và nạn nhân thở trở lại. Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt thở vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng đồng hồ mà không thấy nạn nhân phục hồi.

 

Khi gặp trẻ đuối nước: Người ta thường vác dốc ngược trẻ trên vai, động tác dốc ngược nạn nhân chỉ có tác dụng khai thông vùng họng và miệng, vì vậy không nên thực hiện ở người lớn và không nên làm quá 1 phút ở trẻ em. Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Trong quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho nạn nhân.

 

PHẠM THỊ TƯƠNG LAI

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh -  Xã hội Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek