Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện các bước cần thiết để áp dụng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chi trả trợ cấp thất nghiệp và giải quyết các chế độ theo quy định cho người lao động (NLĐ) có đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện từ ngày 1/1/2010. Đây là chính sách mới, có tác động trực tiếp đến NLĐ, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.
Người lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên - Ảnh: N.HÂN
CHỈ ĐÓNG 1% LƯƠNG
Bảo hiểm thất nghiệp không phải là bảo hiểm xã hội (BHXH) mà là chính sách mới do nhà nước hỗ trợ cho NLĐ trong quá trình thất nghiệp, có số tiền để trang trải trong quá trình tìm việc làm mới. Tuy đối tượng thất nghiệp rộng nhưng do khả năng ngân sách, yêu cầu, mức độ tham gia và điều kiện quản lý, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta chỉ áp dụng với các đối tượng: những người làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn, hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng đối với các cơ sở sử dụng từ 10 lao động trở lên.
Luật BHXH cũng xác định người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm. Theo quy định tại Luật BHXH, người thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đủ các điều kiện sau: đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp; đã đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm (nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký); chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm.
Ngoài việc được hỗ trợ học nghề thời gian không quá 6 tháng, được tư vấn việc làm miễn phí, được hưởng chế độ BHYT, người thất nghiệp còn được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (NLĐ đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%, Nhà nước hỗ trợ 1% trên tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp). Thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng, nếu đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có đủ 36 đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 9 tháng nếu có đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên. Như vậy, năm 2009 mới chỉ là năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, còn để được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ điều kiện thì phải từ năm 2010 trở đi.
Với mức lương trung bình là 2 triệu đồng/tháng, hàng tháng một lao động chỉ phải trích nộp bảo hiểm thất nghiệp 20.000 đồng. Đóng đủ 12 tháng trở lên trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, nếu không may bị thất nghiệp, NLĐ sẽ được hưởng 60% mức lương bình quân trong tháng. Nếu trừ 240.000 đồng (tổng số tiền phải đóng trong 12 tháng) thì NLĐ vẫn nhận về hơn 3,3 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng. Trong khi đó, theo chế độ trợ cấp mất việc thì NLĐ chỉ được hưởng mỗi năm làm việc là một nửa tháng lương và không được hưởng bất cứ chế độ nào khác.
Chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH là chế độ ngắn hạn mang giải pháp tình huống. Tiền trợ cấp thất nghiệp mới chỉ là một phần nhỏ, điều quan trọng là tìm các giải pháp giúp NLĐ tìm được việc làm mới. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp là chế độ không mấy hấp dẫn, nếu hấp dẫn thì thật nguy hiểm vì tạo tâm lý ỷ lại; NLĐ thì cứ trông chờ hy vọng để được trợ cấp thất nghiệp, còn người sử dụng lao động tìm cách “đẩy” NLĐ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý bảo hiểm thất nghiệp.
NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ ĐỘNG
Đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên đã tiếp nhận 1.047 người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Trung tâm đã hoàn tất đầy đủ thủ tục cho 914 hồ sơ đăng ký thất nghiệp và đã giải quyết cho 898 NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Khi NLĐ đăng ký thất nghiệp, hồ sơ gồm có đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp; bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật; 1 bản sao sổ BHXH và 1 bản sao chứng minh nhân dân. Vì vậy, sổ BHXH là một trong các thủ tục bắt buộc để đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Thủ tục này lại không thuộc quyền chủ động của NLĐ mà tùy thuộc vào doanh nghiệp, người sử dụng lao động. NLĐ không thể chủ động trong việc tiến hành các thủ tục nhận trợ cấp.
Một cán bộ phòng tiếp nhận hồ sơ đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên cho biết: Những hồ sơ mà trung tâm tiếp nhận đăng ký hầu hết đều chưa có sổ BHXH - một điều kiện bắt buộc để có thể thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều NLĐ đến đăng ký thì lo lắng vì công ty mình làm cho NLĐ nghỉ việc và hẹn đến lấy sổ BHXH sau, nhưng chưa biết bao giờ mới có. Trong khi theo quy định của pháp luật là trong vòng 7 ngày mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động, NLĐ phải đến đăng ký thất nghiệp và trong thời hạn 15 ngày sau đó, NLĐ phải nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng cộng thì NLĐ có 22 ngày để hoàn tất hồ sơ. Nếu không đăng ký kịp, NLĐ sẽ bị coi là từ chối hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị N.T.H.P đã làm việc cho một doanh nghiệp trong tỉnh, bức xúc: “Tôi nhận được quyết định thôi việc từ ngày 18/10/2010 và công ty hẹn một tháng sau mới trả sổ BHXH. Đợi đến lúc trả sổ BHXH thì đã hết hạn giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, bây giờ chẳng biết tính thế nào”. Rất nhiều NLĐ đến trung tâm để đăng ký đều vướng phải trường hợp chủ sử dụng lao động trả sổ BHXH quá muộn so với thời gian họ nghỉ việc, làm cho NLĐ bị động trong việc xin trợ cấp thất nghiệp. Nguyên nhân là doanh nghiệp nợ BHXH, nợ bảo hiểm thất nghiệp nên cơ quan BHXH chưa chốt sổ, dẫn đến tình trạng NLĐ nhận sổ BHXH quá muộn. Còn trường hợp anh T.V.P thì chủ doanh nghiệp không chịu ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, đến khi ra quyết định thì đã quá trễ làm cho anh không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
NGỌC HÂN