Mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động gần một năm nay cho thấy, chị em không những có thêm kiến thức để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, mà còn ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội.
Phụ nữ cơ sở đăng ký thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch” - Ảnh: N.DUNG
Đến phường Xuân Phú (TX Sông Cầu) vào một buổi chiều, chúng tôi thấy khá đông phụ nữ ở đây đang thu gom rác thải, dọn cỏ ven đường… Chị Ngô Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN phường cho hay: Đây là công việc thường làm của chị em Xuân Phú hưởng ứng mô hình “5 không, 3 sạch”. Chị Hoa cho biết, cùng với mô hình “5 không, 3 sạch” và “hố rác di động” tại vườn nhà, trước đây do Hội LHPN tỉnh phát động, bây giờ tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ở ngoài biển hay xuống sông Tam Giang không còn, đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn trước nhiều.
“5 KHÔNG, 3 SẠCH” ĐI VÀO CUỘC SỐNG
“5 không” gồm: không có người thân vi phạm pháp luật, không có tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học. “3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Theo bà Nguyễn Thị Phương
Thực hiện tốt tiêu chí “5 không” chị em trong độ tuổi sinh đẻ biết cách sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp, sinh 1-2 con. Thông qua đó, gia đình có ý thức, trách nhiệm phối hợp với nhà trường chăm lo cho con em học tập, nuôi dạy nên người. Đặc biệt, với vai trò người mẹ, người chị trong gia đình, các chị đóng vai trò quan trọng trong việc khuyên nhủ người thân sống lành mạnh không vi phạm pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội. Ngoài ra, trong phòng chống bạo lực gia đình, chị em đã mạnh dạn nhờ đến sự can thiệp của tổ chức, đoàn thể địa phương, ít khi im lặng chịu đựng những hành động vũ phu của chồng như trước đây.
Riêng 3 tiêu chí “sạch bếp, sạch ngõ, sạch nhà” đã làm thay đổi nhận thức của chị em trong việc giữ gìn vệ sinh cho gia đình và cộng đồng. Trước đây, phần lớn người dân ở nông thôn không chú ý đến việc xây nhà vệ sinh và nhà tắm. Nhưng từ sự tác động của cán bộ hội phụ nữ, cùng với sự tạo điều kiện cho vay tiền xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, nhiều gia đình phụ nữ nghèo đã xây dựng được công trình phụ hợp vệ sinh… Cùng với đó, các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tổ chức hợp vệ sinh hơn. Khu vực nhà ở, đường làng, ngõ phố được chị em vệ sinh sạch sẽ, tập trung rác thải đúng nơi quy định.
30.000 PHỤ NỮ ĐĂNG KÝ THỰC HIỆN MÔ HÌNH
Dựa trên mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN TP Tuy Hòa đã phát động mô hình “mái nhà an toàn” trong toàn thể cán bộ, hội viên trên địa bàn. Ngoài các tiêu chí “5 không, 3 sạch”, mô hình này còn có thêm tiêu chí “tiết kiệm” trong việc mua sắm, tiêu dùng; tiết kiệm điện, nước sạch, thời gian. Thông qua đó, các cấp hội tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường; đồng thời phát huy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần cùng toàn dân xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Bà Trần Thị Bông, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Tuy Hòa phấn khởi cho biết: “Hiện nay, các phường 3, 7, Phú Thạnh, Phú Lâm và xã An Phú đang triển khai thí điểm, đến cuối tháng 12/2010, Thành hội sẽ tổ chức sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này trên địa bàn thành phố.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 30.000 hội viên, chị em đăng ký thực hiện mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” và thành lập 10 câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tây Hòa và Tuy An. Để hỗ trợ cho chị em xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, các cấp hội LHPN còn phát triển mới 16 mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Mẹ và con gái”, “Trợ giúp pháp lý” ở cơ sở.
DUYÊN HẢI