Tại 3 phiên giao dịch việc làm (GDVL) vừa diễn ra tại hai huyện Tuy An, Phú Hòa và TP Tuy Hòa, các công ty, doanh nghiệp (DN) cần tuyển dụng hàng chục ngàn lao động với nhiều ngành nghề phong phú, chế độ ưu đãi, nhưng chỉ có 126 lao động đăng ký học nghề, làm việc tại các DN trong và ngoài nước.
Tư vấn việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm TP Tuy Hòa - Ảnh: N.HÂN
Các phiên GDVL được tổ chức hàng năm chính là cầu nối chặt chẽ giữa người lao động với các DN, hỗ trợ tích cực người lao động tìm việc làm mới. Thế nhưng, người lao động ở các địa phương vẫn còn thờ ơ đối với các phiên GDVL. Nguyên nhân chính là giữa DN và người lao động chưa có tiếng nói chung trong tiếp cận và chia sẻ thông tin việc làm; người lao động còn ràng buộc gia đình, thiếu khả năng, thiếu năng lực, chuyên môn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động nên “ngại” đăng ký việc làm…
HÀNG LOẠT DN “KHÁT” LAO ĐỘNG
Các phiên GDVL cuối cùng của năm 2010, có hàng chục công ty, DN, trung tâm tuyển dụng và đào tạo nghề đăng ký tuyển dụng lao động. Trong đó, có 11 DN trong và ngoài tỉnh trực tiếp tham gia tư vấn, tuyển dụng. Gần 10.000 đầu việc, nhưng chỉ có 20% nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, còn lại chủ yếu là lao động phổ thông. Để thu hút lao động, các DN đưa ra các chế độ đãi ngộ như lương thưởng cao, hỗ trợ chỗ ăn ở, phương tiện đi lại, các chế độ quyền lợi về bảo hiểm, tăng lương thâm niên hàng năm, có công đoàn cơ sở quan tâm, chăm lo đời sống cho nhân viên… Tuy nhiên, phần lớn các DN không tìm được lao động đến đăng ký tuyển dụng.
Công ty TNHH Nidec-Sankyo VN (quận 9, TP Hồ Chí Minh) cần tuyển 500 công nhân chuyên sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao cho camera, máy chụp hình kỹ thuật số có tay nghề hoặc không có tay nghề (sẽ được đào tạo) với thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng tháng. Công nhân được bố trí chỗ ở, sinh hoạt, trợ cấp phần ăn giữa ca, tăng ca... Thế nhưng, kết thúc phiên giao dịch, công ty này chỉ nhận được vài hồ sơ đăng ký tìm việc. Tình trạng trên cũng xảy ra với Công ty cổ phần Dệt Đông Nam (có nhu cầu tuyển dụng lao động không hạn chế số lượng), Công ty cổ phần An Hưng (cần tuyển 300 lao động), Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Thái Sơn (cần tuyển 200 lao động)…
Mặc dù mỗi phiên GDVL chỉ diễn ra trong một buổi sáng, nhưng tổng cộng đã thu hút gần 800 lượt người lao động đến tìm hiểu thông tin việc làm. Dù vậy, qua ba phiên giao dịch, chỉ có 126 lao động đăng ký tìm việc và học nghề. Trong đó, 12 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), 95 lao động làm việc tại Phú Yên, 15 lao động làm việc ngoài tỉnh và 4 lao động đăng ký học nghề. Chị Lê Thị Bé, ở xã An Cư (huyện Tuy An) thổ lộ: “Tôi chưa có nghề nghiệp ổn định, ai mướn gì làm nấy. Sau khi tìm hiểu và được tư vấn cặn kẽ về điều kiện làm việc, thu nhập, tôi quyết định đăng ký xin làm việc tại Công ty Pousung xưởng Ikea (tỉnh Đồng Nai) chuyên sản xuất ba lô, văn phòng phẩm”. Còn anh Trần Văn Cường, ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), bày tỏ: “Tôi là bộ đội vừa xuất ngũ, chưa có việc làm ổn định. Qua báo đài, được biết có phiên GDVL, tôi đã đăng ký làm tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Thái Sơn (TP Hồ Chí Minh). Công việc này thu nhập tương đối cao, lại phù hợp với thể trạng của mình”.
“NGẠI” ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Ông Đỗ Kim Hà, chuyên viên tư vấn tuyển dụng Trung tâm Giới thiệu việc làm Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Thị trường lao động các nước Trung Đông, Úc, Nhật Bản, Đài
Được biết, lao động là con gia đình chính sách, hộ nghèo, thương binh được ngân hàng cho vay tối đa 30 triệu đồng để đi XKLĐ, còn những trường hợp không thuộc đối tượng trên, khó có khả năng lo chi phí. Anh Lê Minh Thiện, ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), nói: “Việc làm ở nước ngoài khá hấp dẫn, lương cao, nhưng gia đình tôi không đủ khả năng tài chính để lo chi phí đi ban đầu, còn làm việc trong tỉnh thì lương quá thấp nên tôi quyết định ở nhà phụ gia đình làm nông mà không đăng ký làm việc tại phiên giao dịch lần này.”
Lý giải thực trạng ít lao động đăng ký làm việc, ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Phú Yên, cho biết: “Phần lớn lao động đến với phiên GDVL với mong muốn tìm được một việc làm phù hợp, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do chưa có tác phong công nghiệp nên người lao động chưa mạnh dạn đăng ký tìm việc. Mặt khác, do tâm lý ngại đi làm xa, tìm hiểu để về hỏi ý kiến gia đình… nên họ ra về mà chưa đăng ký việc làm cho mình”.
NGỌC HÂN